+Aa-
    Zalo

    Ứng phó hạn hán: Việt Nam kêu gọi quốc tế hỗ trợ 48,5 triệu USD

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Trước tình trạng hơn 2 triệu người Việt Nam đang phải đối mặt với hạn hán kéo dài, Bộ NN&PTNT đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ 48,5 triệu USD.

    (ĐSPL) – Trước tình trạng gần 2 triệu người Việt Nam đang phải đối mặt với hạn hán kéo dài, Bộ NN&PTNT đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ 48,5 triệu USD.

    Khoảng gần 2 triệu người Việt Nam đang bị ảnh hưởng

    Chiều 26/4, Bộ NN&PTNT và LHQ tại Việt Nam đồng tổ chức "Hội nghị kêu gọi hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam".

    Theo đánh giá nhanh của Chính phủ Việt Nam, LHQ và các tổ chức phi chính phủ (NGO), ước tính trong 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất có khoảng 2 triệu người không được sử dụng nước sạch cho sinh hoạt, và 1,1 triệu người cần hỗ trợ về lương thực. Hơn 60.000 phụ nữ và trẻ em đang lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng, và sinh kế của khoảng 1,75 triệu người đã bị thiệt hại nặng nề do hạn hán ngày càng gia tăng.

    Ngoài ra, tình trạng hạn hán và suy giảm mực nước ngầm đã làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử kể từ 90 năm qua. Mặc dù xâm mặn là một hiện tượng xảy ra thường niên, năm nay, xâm mặn đã bắt đầu sớm hơn bình thường 2 tháng, với mức độ xâm nhập sâu hơn vào vào nội địa trung bình từ 20-30 km. Hậu quả của hạn hán và xâm mặn là hơn 400.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, mất năng suất, và khoảng 25.900 ha đất trồng hiện nay đang phải bỏ trống không thể sử dụng.

    Trước tình hình trên, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: "Điều nghiêm trọng là hơn 1,5 triệu người dân (của 400.000 hộ) đang hàng ngày thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh với những rủi ro lớn đến sức khỏe và sinh hoạt.

    Tình hình hạn hán kéo dài và khốc liệt khiến Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ. (Ảnh: VnExpess)

    Hơn nữa, những thiệt hại về lúa và cây ngắn ngày có thể được bù đắp vụ sản xuất sau, nhưng với cây công nghiệp và cây ăn quả thì tổn thất kéo dài ít nhất 4-5 năm sau, khi đó vườn trồng lại mới có thể cho thu hoạch".

    Theo đánh giá, mặc dù 1/3 tổng số tỉnh đang ảnh hưởng nặng nề do hạn hán kéo dài, 8 tỉnh khác cũng đang trong nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán trong các tuần tới đây.

    Do tình trạng thiếu nước và phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ vì sử dụng nước không hợp vệ sinh, dự báo khả năng bùng phát của các bệnh dịch do thiếu nước sạch. Thêm vào đó, an ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng do mất mùa vì hạn hán sẽ là nguy cơ dẫn đến tăng tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.

    Tại hội nghị, Điều phối viên thường trú của LHQ, bà Pratibha Mehta cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực to lớn thực hiện các cứu trợ khẩn cấp song đây là một sự kiện đặc biệt kêu gọi hỗ trợ đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng với Chính phủ để có thể trợ giúp những nhu cầu cấp thiết nhất cho những người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.

    Kế hoạch ứng phó khẩn cấp được đưa ra tại Hội nghị nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp bách nhất của khủng hoảng này, hỗ trợ nhân đạo đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhất về nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, sức khỏe và phục hồi sớm. Một phần kinh phí đã được cam kết, bảo đảm tạo điều kiện cho Chính phủ tiến hành các nỗ lực ứng phó và cứu trợ khẩn cấp.

    Đợt El Nino hiện tại là một trong những sự kiện khí hậu cực đoan có tác động mạnh nhất được ghi nhận đến nay, có ảnh hưởng đến khoảng 60 triệu người trên khắp châu Phi, châu Á, Trung Mỹ, Nam Mỹ và Thái Bình Dương. Trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng của El Nino được dự báo là sẽ không cải thiện trong năm 2016 và với khả năng có thể có La Nina tiếp theo sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng nghiêm trọng thêm đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người trên khắp thế giới cho đến cuối năm.

    Để ứng phó kịp thời với tình trạng khủng hoảng này, một lời kêu gọi toàn cầu hỗ trợ các hành động cứu trợ tại 22 quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ được công bố tại Geneva ngày 26/4. Chính phủ Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của LHQ đang làm việc chặt chẽ với các đối tác để bảo đảm triển khai kế hoạch ứng cứu khẩn đáp ứng một số nhu cầu thiết yếu nhất của những cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

    Triển khai toàn diện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030

    Đề cập tới việc ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, trước đó VOV đưa tin, năm 2016, Việt Nam tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp và tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực, thực hiện hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; ưu tiên đầu tư các dự án ứng phó biến đổi khí hậu quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả Thỏa thuận Paris.

    Đề cập các giải pháp cụ thể, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, cho biết: “Bộ Tài nguyên môi trường và các Bộ, ngành khác sẽ làm các thủ tục pháp lý để nhanh chóng phê chuẩn thỏa thuận Paris trước tháng 4/2016. Bộ cũng sẽ xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, trong đó có xác định nguồn lực và hoạt động cụ thể triển khai mục tiêu giảm phát thải 8\% khí gây hiệu ứng nhà kính. Từ nay đến 2030, Việt Nam cần chuyển đổi ngay sang công nghệ mới ít phát thải cácbon”.

    Việt Nam cũng đang phối hợp với các nước đang phát triển khác trong việc đàm phán để cụ thể hóa các điều khoản trong thỏa thuận Paris và thực hiện các cam kết đã đưa ra, trong đó có các cam kết về cắt giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu nêu trong Báo cáo đóng góp tự nguyện do quốc gia tự quyết định (INDC) đã nộp cho Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2015.

    Về lâu dài, Việt Nam sẽ rà soát cập nhật các quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư cho hoạt động chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu. Đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các lực lượng và mọi người dân; tăng cường hợp tác quốc tế;ưu tiên đầu tư các dự án ứng phó biến đổi khí hậu quan trọng, cấp thiết.

    Việc chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ giảm thiểu những thách thức của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam mà còn góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

    Thiên An (Tổng hợp)

    Xem thêm video tin tức:

     [mecloud]QZA8RUdNpo[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ung-pho-han-han-viet-nam-keu-goi-quoc-te-ho-tro-485-trieu-usd-a129097.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.