+Aa-
    Zalo

    Ủng hộ 500 triệu đồng cho việc chống COVID ở Đà Nẵng từ tài sản kê biên, được hay không?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ông Phan Văn Anh Vũ xin được ủng hộ 500 triệu đồng cho việc chống COVID ở Đà Nẵng từ tài sản đang bị kê biên.

    Mặc dù đang phải chấp hành các bản án có hiệu lực pháp luật, nhưng trong vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Trương Duy Nhất, ông Phan Văn Anh Vũ xin được ủng hộ 500 triệu đồng cho việc chống COVID ở Đà Nẵng từ tài sản đang bị kê biên. Nguyện vọng này của ông Vũ liệu có thực hiện được hay không, một số chuyên gia pháp lý đã lên tiếng về vấn đề này...

    Tiếp tay cho Vũ “nhôm”, cựu nhà báo lĩnh 10 năm tù

    Phiên tòa xét xử phúc thẩm cựu nhà báo Trương Duy Nhất – nguyên Trưởng văn phòng Trung Trung Bộ báo Đại Đoàn Kết, tiếp tay cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) thâu tóm “đất vàng” 82 Trần Quốc Toản (Đà Nẵng) vừa khép lại với bản án 10 năm tù.

    Mặc dù từ đầu chí cuối một mực kêu oan, Trương Duy Nhất cho rằng: “Nếu căn cứ vào các tài liệu, quy định pháp luật thì không thể kết tội tôi, tôi chỉ mang lại lợi ích cho báo chứ không phải gây hại, không có bất kỳ hành vi sai trái nào...”.

    Song, căn cứ vào lời khai của bị cáo, người có quyền lợi liên quan và các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa, TAND Cấp cao tại Hà Nội đủ cơ sở kết luận: Báo Đại Đoàn Kết từng đề nghị UBND TP.Đà Nẵng cấp hoặc cho thuê một địa điểm thuận lợi trong thành phố này để làm trụ sở Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung Bộ, đồng thời giao cho Trương Duy Nhất liên hệ với chính quyền địa phương để giải quyết.

    Trên cơ sở đó, năm 2003, bị cáo Nhất gửi văn bản đề nghị UBND TP. Đà Nẵng cho mua nhà công sản, không tính hệ số sinh lời để làm trụ sở văn phòng đại diện. Chính quyền Đà Nẵng sau đó đồng ý bán cho Văn phòng Trung Trung Bộ (báo Đại Đoàn Kết) nhà đất tại số 82 phố Trần Quốc Toản với giá hơn 670 triệu đồng.

    Ông Phan Văn Anh Vũ vẫn xin được ủng hộ 500 triệu đồng cho việc chống covid ở Đà Nẵng. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp luật

    Cùng thời điểm, bị cáo Nhất thỏa thuận với Phan Văn Anh Vũ là Vũ sẽ đứng ra nộp tiền mua nhà số 82 Trần Quốc Toản. Sau đó, Trương Duy Nhất sẽ làm thủ tục bán nhà đất công sản này cho công ty CP Xây dựng 79 do Vũ làm Giám đốc.

    Như vậy, tòa cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo Trương Duy Nhất phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tuyên phạt bị cáo mức án 10 năm tù là có căn cứ pháp luật, đúng người, đúng tội, không oan. Do vậy, cuối phiên xử phúc thẩm, Trương Duy Nhất bị tuyên y án 10 năm tù theo đúng tội danh tòa sơ thẩm quy kết.

    Có mang tài sản kê biên đi ủng hộ được không?

    Phan Văn Anh Vũ được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng cho rằng bị cáo Nhất vô tội bởi báo Đại Đoàn Kết không bị thiệt hại vì không cần bỏ tiền nhưng vẫn được sử dụng nhà đất làm văn phòng trong 30 năm.

    Trình bày tại tòa, ngoài nội dung liên quan đến vụ án, Phan Văn Anh Vũ bất ngờ phát biểu: “Tôi bị giam mấy năm, giờ thấy dịch COVID – 19 ở Đà Nẵng
    nên rất lo lắng cho quê hương. Tôi xin được ủng hộ 500 triệu đồng để gửi tới các y bác sĩ đang chống dịch. Số tiền này được lấy từ tài sản đang bị kê biên của tôi”.

    Khi vị Chủ tọa ngắt lời cho rằng việc này không thuộc thẩm quyền của HĐXX thì ông Vũ nói sẽ nhờ luật sư thực hiện nguyện vọng của mình. Thực tế, Phan Văn Anh Vũ đang phải chấp hành các bản án có hiệu lực pháp luật, vậy việc trích 500 triệu đồng từ tài sản đang bị kê biên để ủng hộ công tác chống dịch COVID của ông Vũ có thực hiện được?

    Trao đổi về vấn đề này, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: Theo quy định BLTTHS 2015, kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế Nhà nước chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo mà theo quy định của luật có thể bị phạt tiền hoặc đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (dân sự) cụ thể tại khoản 1 Điều 128 BLTTHS 2015. Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS (khoản 3 Điều 128 BLTTHS).

    Đối chiếu vào trường hợp của Phan Văn Anh Vũ, khi bản án có hiệu lực pháp luật và có áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại, phần tài sản kê biên đã sử dụng để thi hành án hết thì không có căn cứ và cơ sở để chấp nhận đề nghị trên của Phan Văn Anh Vũ.

    Trường hợp, tài sản kê biên đã sử dụnng để thi hành án mà còn thừa, chưa sử dụng hết thì người phải thi hành án được trả lại theo quy định tại khoản 2 Điều 47 luật Thi hành án Dân sự, trong trường hợp này người phải thi hành án được nhận lại phần tài sản và có thể sử dụng tài sản đó vào mục đích khác. Người phải thi hành án có thể ủy quyền cho người khác để nhận lại phần tài sản còn thừa hoặc nhận lại sau khi chấp hành án xong.

    “Trường hợp, nếu người phải thi hành án muốn sử dụng tài sản còn thừa đó để sử dụng vào mục đích như ủng hộ, làm từ thiện thì phải có thỏa thuận với cơ quan thì hành án nơi bản án được thi hành, trên cơ sở đó tài sản còn lại của người phải thi hành án sẽ được sử dụng theo đúng mục đích”, luật sư Cường cho biết.


    Cùng trao đổi về việc nguyện vọng của ông Phan Văn Anh Vũ có thành hiện thực, luật sư Vũ Thị Mai Phương (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Đối với những tài sản kê biên của người phạm tội để thực hiện nghĩa vụ bồi thường sẽ được thực hiện theo Điều 74 luật Thi hành án 2008 sửa đổi bổ sung 2014. Và tại Điều 24 Nghị định 62/2015 hướng dẫn luật Thi hành án thì người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án sẽ bị cưỡng chế kê biên tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

    Sau khi kê biên, cơ quan thi hành án sẽ tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá. Tài sản kê biên vượt quá nghĩa vụ bồi thường mà người phải thi hành án phải trả, số còn lại sau khi trừ đi án phí, chi phí định giá, chi phí bán đấu giá, thậm chí cộng với cả lãi suất chậm trả sẽ được trả lại cho người phải thi hành án.

    “Như vậy nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành để kê biên tài sản mà tài sản vượt quá nghĩa vụ phải thi hành án, để chờ lấy lại phần tài sản thừa phải chờ theo quy trình của việc cưỡng chế thi hành án thì khá lâu,...”, luật sư Phương nhận định.


    Tư Viễn
    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (131)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ung-ho-500-trieu-dong-cho-viec-chong-covid-o-da-nang-tu-tai-san-ke-bien-duoc-hay-khong-a335997.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan