Ngày 1/3, Giám đốc Phòng Kế toán Ukraine (cơ quan kiểm toán của Quốc hội và tổ chức kiểm toán tối cao Ukraine) Valeriy Patskan cho rằng quy mô sự tàn phá ở Ukraine do chiến dịch quân sự của Nga gây ra là rất lớn.
“Các chủ nợ nước ngoài của chúng tôi phải được yêu cầu xóa các khoản nợ của Ukraine. Cho đến nay, khoản nợ nước ngoài là 1,6 nghìn tỷ hryvnia, tương đương hơn 57 tỷ USD”, ông Patskan nói. “Các tổ chức tài chính quốc tế nên sửa đổi chính sách nợ và xoá bỏ các khoản nợ của Ukraine”.
Trước đó, theo đài BBC (Anh), chính phủ Ukraine đã tuyên bố về kế hoạch bán trái phiếu từ ngày 1/3 để lấy tiền hỗ trợ lực lượng vũ trang, khi giá trái phiếu hiện có của Ukraine đang giảm dần.
Bộ Tài chính Ukraine trực tiếp kêu gọi người dân "đầu tư vào trái phiếu chính phủ" để "hỗ trợ ngân sách của Ukraine, đồng thời lên tiếng trấn an các nhà đầu tư quốc tế rằng nước này sẽ không rơi vào cảnh vỡ nợ.
Bên cạnh đó, nhằm huy động nguồn tiền hỗ trợ, tài khoản mạng xã hội Twitter chính thức của chính phủ Ukraine đã kêu gọi quyên góp tiền điện tử và công khai địa chỉ nhận quyên góp.
Reuters trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích Elliptic có trụ sở tại London ngày 28/2 cho biết, chính phủ Ukraine đã huy động được số tiền kỹ thuật số trị giá gần 13 triệu USD sau khi đăng tải lời kêu gọi quyên góp nói trên.
Bắt đầu từ năm 1992 với khoản nợ nước ngoài là con số 0 nhờ Nga cam kết gánh khoản nợ 100 tỷ USD từ thời Liên Xô, Ukraine đã liên tục chất đống khối nợ lên tới hàng chục tỷ USD với các chủ nợ quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Mỹ và Liên minh Châu Âu.
Nợ nước ngoài của Ukraine đối với các chủ nợ nước ngoài tăng đều đặn dưới thời mỗi chính phủ, trong đó chỉ Cựu tổng thống Leonid Kuchma là người duy nhất trong sáu tổng thống thời hậu độc lập của đất nước thực hiện các biện pháp để cố gắng giảm gánh nặng nợ trong khoảng đầu và giữa thập niên 2000.
Ukraine trở thành thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào năm 1992, và các chủ nợ đã cung cấp cho đất nước này các khoản vay hàng chục tỷ USD có điều kiện. Tuy nhiên, theo Sputnik, Ukraine đã dần đi từ một trong những nền kinh tế công nghiệp tiên tiến nhất trên thế giới thành một trong những nước nghèo nhất châu Âu trong vòng 30 năm.
Mộc Miên (Theo Sputnik)