Trong bài phát biểu hàng đêm hôm 26/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo, Nga nên cân nhắc rút khỏi bán đảo Crimea khi cầu Crimea còn hoạt động.
"Chúng tôi sẽ giành lại Crimea cũng như các vùng lãnh thổ khác của Ukraine", ông Zelensky tuyên bố.
Ông cho biết thêm: "Tôi đã tổ chức một số cuộc họp quan trọng liên quan đến việc chuẩn bị cho các sự kiện quốc tế trong tháng 8, đặc biệt là Diễn đàn Crimea. Chúng tôi cũng lên danh sách một loạt bước khi giành lại Crimea, bao gồm các khía cạnh an ninh, kinh tế, xã hội. Chúng tôi có thể tái hòa nhập Crimea vào cơ cấu nhà nước một cách nhanh chóng".
Người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) ông Vasiliy Malyuk, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố nhằm vào Cầu Crimea hồi tháng 10/2022. "Việc phá hủy cầu Crimea là một trong những hành động của chúng tôi. Tôi tin rằng các hoạt động đặc biệt do SBU thực hiện sẽ tạo ra câu chuyện cho những con tem bưu chính mới”, ông Malyuk cho biết.
Nga sáp nhập Crimea năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Moscow sau đó đã xây dựng cầu Crimea dài 19km, nối đất liền Nga với bán đảo Crimea.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra đầu năm ngoái, cây cầu này liên tục bị tập kích, trong đó có vụ đánh bom xe hồi tháng 10/2022 gây hư hại nghiêm trọng. Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) ngày 26/7 chính thức thừa nhận trách nhiệm trong vụ tấn công đó.
Tại một buổi lễ ra mắt con tem mới dành riêng cho SBU, người đứng đầu Ukrpochta, cơ quan bưu chính quốc gia Ukraine, ông Igor Smelyansky đã mặc một chiếc áo phông in hình một đoàn tàu chở hàng đang bốc cháy trên cầu Crimea với chú thích: "Ai sẽ đốt cháy cây cầu nếu không phải là chúng tôi? SBU”.
Theo đó, cầu Crimea đã bị hư hại trong một vụ nổ bom xe tải vào tháng 10/2022, khiến một số dân thường thiệt mạng và cấu trúc cầu bị hư hại nặng nề. Các quan chức hàng đầu Ukraine đã ăn mừng sự kiện này với việc Ukrpochta phát hành một con tem kỷ niệm để đánh dấu cầu Crimea bị cháy trong vòng vài giờ sau vụ nổ.
Đầu tháng này, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cũng thừa nhận vai trò của Kiev trong vụ tấn công. "273 ngày trước, chúng tôi đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên vào cây cầu Crimea để làm gián đoạn hoạt động hậu cần của Nga", bà Maliar nói nhân dịp mốc 500 ngày xung đột Nga - Ukraine.
Cầu Crimea đã được sửa chữa hoàn toàn sau vụ nổ hồi tháng 10/2022, nhưng lại bị hư hại trong một cuộc tấn công mới vào ngày 17/7. Theo chính quyền Nga, cầu Crimea là mục tiêu của 2 xuồng không người lái do Ukraine phóng. Vụ nổ khiến một phần đường của cây cầu bị hư hại, khiến 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương nặng.
Như Quỳnh(T/h)