Tình hình trên chiến trường
Với tình hình chiến đấu trên bộ hiện nay phần lớn đã bế tắc do bùn lầy và băng giá, các hoạt động chính dự kiến sẽ là chuyển dần sang bầu trời Ukraine. Dữ liệu của Brookings cho thấy, Nga đã bắn phá các thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bằng hàng loạt máy bay không người lái và tên lửa trong mùa đông.
Các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không do đồng minh cung cấp cũng như sự khéo léo và kỹ năng ứng biến tốt đã giúp thủ đô kiev và các thành phố lớn khác của Ukraine sở một hệ thống phòng thủ theo lớp tương đối hoàn thiện.
Tuy nhiên, thiệt hại vẫn xảy ra và ở một số nơi. Cơ sở hạ tầng năng lượng và sưởi ấm của Ukraine đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi các cuộc tấn công, khiến công suất giảm ít nhất 50%. Các cuộc oanh tạc của Nga vào mùa đông năm nay chỉ mới bắt đầu. Moscow có thể đang tích trữ kho vũ khí cho các cuộc tấn công dồn dập nhằm tăng áp lực hệ thống phòng thủ và tạo ra cú sốc tâm lý với Ukraine.
Ngoài ra, Nga dường như có ý định áp sát thị trấn Avdiivka phía Đông Ukraine và xung quanh Bakhmut. Trong khi đó, Ukraine tiếp tục hy vọng rằng họ có thể cắt đứt các phòng tuyến của Nga ở khu vực Zaporizhzhia và có thể đe dọa cây cầu nối Nga với bán đảo Crimea.
Trên biển, Ukraine đã tìm cách gây thiệt hại và đẩy Hải quân Nga từ căn cứ ở Sevastopol (Crimea) đến cảng Novorossiysk ở Nga với sự hỗ trợ của các cuộc tấn công tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, Biển Đen vẫn là một chiến trường đang tranh chấp.
Viện trợ từ các đồng minh phương Tây
Liên minh châu Âu (EU) - nơi đã cung cấp hơn 50% viện trợ của phương Tây cho Ukraine (hơn một nửa hỗ trợ kinh tế, gần một nửa viện trợ quân sự và vật chất), hiện đang gặp khó khăn trong duy trì hỗ trợ Ukraine. Ukraine đã được chấp nhận làm ứng cử viên trở thành thành viên của EU vào tháng 6/2022.
Gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (54,6 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu cũng đang bị cản trở do quyền phủ quyết của Hungary. Các nhà ngoại giao EU cho biết, Hungary tuyên bố rằng họ có thể dỡ bỏ quyền phủ quyết đới với viện trợ dành cho Ukraine nếu Hội đồng châu Âu thông qua một cuộc bỏ phiếu để phân bổ vốn hàng năm.
Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao EU tỏ ra nghi ngờ về đề xuất này đồng thời lưu ý rằng đề xuất của Hungary sẽ không đảm bảo sự ổn định cho Ukraine. Hội đồng Châu Âu dự kiến sẽ có phiên họp vào ngày 1/2 để thảo luận lại về gói trị giá mới dành cho Ukraine. Nếu được thông qua, khoản tiền này sẽ được giải ngân từ năm 2024 đến 2027.
Bên cạnh đó, người chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Hà Lan cũng phản đối việc gửi vũ khí, nhưng điều đó có thể không quá quan trọng, vì hầu hết việc chuyển giao vũ khí đều được thực hiện bởi các quốc gia riêng lẻ chứ không phải với tư cách một khối (EU) mà mọi người đều có quyền phủ quyết. Đức cũng đã cam kết sẽ tăng gấp đôi viện trợ từ 4 tỷ euro lên 8 tỷ euro bất chấp cuộc khủng hoảng ngân sách do quyết định gần đây của tòa án nước này gây ra.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực giành được sự chấp thuận của Quốc hội đối với yêu cầu viện trợ bổ sung 61 tỷ USD cho Ukraine. Gói viện trợ chưa được thông qua do lượng đảng không đạt được thỏa thuận về vấn đề an ninh biên giới phía Nam.
Do đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã quyết định bất ngờ tới thăm Mỹ vào giữa tháng 12 năm ngoái khi Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cũng tới Washington, D.C để hoạch định chiến lược với các đảng viên Cộng hòa về cách chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Chính trị Ukraine
Sau hơn 600 ngày đoàn kết và quyết tâm chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, những lời chỉ trích nhằm vào Tổng thống Zelenskyy và chính phủ của ông bắt đầu lộ rõ. Tin đồn căng thẳng giữa giới lãnh đạo chính trị và quân sự gần đây đã được thể hiện rõ hơn sau khi người đứng đầu quân đội Valeriy Zaluzhny nói cuộc phản công của Ukraine đang trì trệ trong một cuộc phỏng vấn.
Việc chính phủ Ukraine từ chối tổ chức bầu cử quốc gia trong thời chiến được nhận định là nguyên nhân gây căng thẳng chính mặc dù hầu hết các chính trị gia đối lập đều thừa nhận rằng hiến pháp nước này không cho phép bầu cử trong thời gian thiết quân luật.
Hơn nữa, những nghi ngờ về tính hiệu quả của chiến dịch phản công mùa hè và nạn tham nhũng trong cung ứng quân sự và tuyển dụng đang tạo ra các vấn đề cho việc duy trì quy mô cũng như sức mạnh của quân đội Ukraine. Khả năng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine - chìa khóa không chỉ cho nền kinh tế mà còn cung cấp lương thực cho thế giới đã bị cản trở nghiêm trọng do xung đột và sự kết thúc của sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Tuy nhiên, Kiev cũng đạt được một số thành công trong việc phát triển một hành lang mới xuyên qua vùng biển Ukraine, Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, “nền kinh tế Ukraine tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi đáng kể”. Nền kinh tế đang phát triển, lạm phát giảm, thị trường ngoại hối ổn định.
Sau mùa đông, nhiều vấn đề quan trọng sẽ có ảnh hưởng đến cuộc xung đột ở Ukraine trong năm 2024. Một vài trong số đó là: khả năng EU cung cấp thêm kinh phí cho Ukraine, khả năng NATO đưa Ukraine vào các tổ chức an ninh phương Tây, khả năng Ukraine thoát ra khỏi tình trạng bế tắc quân sự như năm 2023, khả năng các cơ sở công nghiệp quốc phòng của phương Tây theo kịp Nga, khả năng phương Tây tịch thu tài sản của Nga để bắt đầu tài trợ cho việc tái thiết Ukraine; kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024...
Phương Uyên(Theo Brookings)