Phái đoàn Ukraine hôm nay tuyên bố họ quyết định "tạm ngừng tham gia công việc của PACE" để phản đối quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga của Ủy hội châu Âu.
Các đại diện của Nga đã được phép quay trở lại Ủy hội châu Âu (PACE) sau khi cơ quan này bỏ phiếu gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Moscow. Chấm dứt 5 năm nước này bị tước quyền bỏ phiếu do vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014.
Ủy hội châu Âu dỡ bỏ trừng phạt với Nga. Ảnh: Getty |
Sau khi Nga được PACE dỡ bỏ trừng phạt, phái đoàn Ukraine đã bỏ ra ngoài để phản đối quyết định này. Dmytro Kuleba - Đại sứ Ukraine tại Hội đồng châu Âu cho biết, việc bỏ phiếu chấp nhận Nga là "một sự đầu hàng đơn phương của PACE trước các yêu cầu của Moscow".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông thất vọng với quyết định này.
"Tôi đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng việc phái đoàn Nga trở lại PACE chỉ có thể xảy ra sau khi Moskva đáp ứng những yêu cầu chính của hội đồng. Thật đáng tiếc khi các đối tác châu Âu không lắng nghe chúng tôi", Zelensky viết trên Facebook.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tỏ ra thất vọng trước quyết định của PACE. Ảnh: Reuters |
Cựu Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng gọi quyết định này là "một cú đánh ngoại giao nghiêm trọng vào Ukraine".
Trái lại, Điện Kremlin lại chào đón thông tin này. "Đây là một điều rất tích cực. Đó không phải là một chiến thắng ngoại giao cho Moscow mà chỉ là một điều bình thường nên làm. PACE không thể hoạt động hiệu quả nếu không có sự đóng góp của phái đoàn Nga", phát ngôn viên của Tổng thống Putin - ông Dmitry Peskov cho biết.
Trước đó, Nga cảnh báo họ có thể rời Ủy hội châu Âu nếu không được phép trở lại cuộc bỏ phiếu ngày 26/6 của PACE. Sau khi bị tước quyền bỏ phiếu vào năm 2014, Moskva tuyên bố tẩy chay PACE và từ chối nộp 33 triệu euro (37 triệu USD) ngân sách hàng năm của hội đồng kể từ năm 2017. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết họ sẽ trả nợ ngay khi được khôi phục hoàn toàn quyền lợi tại PACE.
Ủy hội châu Âu có trụ sở tại thành phố Strasbourg của Pháp là thiết chế độc lập với Liên minh châu Âu, được thành lập từ năm 1949 quy tụ tất cả các nước châu Âu, kể cả các quốc gia nằm ngoài Liên minh châu Âu.
Minh Khôi(T/h)