"Nga không có quyền đặt ra các quy tắc (cho các cuộc đàm phán)", ông Oleh Nikolenko, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine, cho biết trong cuộc họp báo ngày 14/11.
"Điều kiện hòa bình cho Ukraine vẫn không thay đổi: Ngừng chiến tranh ngay lập tức, rút toàn bộ quân đội Nga, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bồi thường thiệt hại và đưa ra các đảm bảo hiệu quả về việc không lặp lại hành động xâm chiếm. Sẽ không thể đạt được hòa bình bền vững với bất kỳ điều kiện nào khác", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh.
Trong khi đó, Tư lệnh các lực lượng Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyi, cũng khẳng định: "Quân đội Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán, thỏa thuận hay quyết định thỏa hiệp nào. Chỉ có một điều kiện cho các cuộc đàm phán là Nga phải rời khỏi tất cả các vùng lãnh thổ bị kiểm soát".
Trước đó, ngày 7/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết sẵn sàng đối thoại với Nga nhưng nêu rõ chỉ có các cuộc đàm phán "chân thành" giúp khôi phục các đường biên giới của Ukraine, bồi thường cho những hậu quả xung đột mà nước này gánh chịu và những biện pháp trừng phạt liên quan.
Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 14/11, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi Nga phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình ở Ukraine, và bỏ phiếu thông qua nghị quyết tạo ra một khuôn khổ bồi thường thiệt hại cho cuộc chiến Nga tiến hành ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Nghị quyết, do Ukraine, Canada, Hà Lan và Guatemala đề xuất, được 94 trong số 193 thành viên của đại hội đồng ủng hộ, 14 nước phản đối, 73 nước bỏ phiếu trắng.
Theo nghị quyết, Nga "phải chịu hậu quả pháp lý của tất cả các hành vi quốc tế sai trái của mình", bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại đã gây ra vì đã tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.
Nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên hợp tác với Ukraine và tạo ra một sổ đăng ký quốc tế để ghi lại bằng chứng và lời tuyên bố chống lại Nga.
Mặc dù không mang tính ràng buộc thực thi, theo Hãng tin Reuters, nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cũng có sức nặng chính trị.
Mộc Miên (T/h)