Trả lời phỏng vấn đài BBC Radio 5 rằng liệu Ukraine có thể “dự tính không gia nhập NATO” để ngăn chặn chiến tranh hay không, Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko trả lời: ““Chúng tôi có thể làm như vậy, nhất là khi đang bị đe dọa và thúc ép như hiện nay".
Vị đại sứ cho biết Kiev có thể chọn cách tiếp cận “linh hoạt” hơn với tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Song, ông Prystaiko giải thích thêm, Ukraine không phải là thành viên của liên minh quân sự nào trong khi nhiều quốc gia láng giềng như Ba Lan, Slovakia, Rumani, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ đã là thành viên NATO.
“Chúng tôi sẽ không được bảo vệ bởi bất kỳ ai, bởi bất kỳ bạn bè nào, không phải là thành viên của bất kỳ liên minh nào, khi tất cả mọi người, tất cả quốc gia láng giềng của chúng tôi đều la thành viên của tổ chức này”, nhà ngoại giao nói.
Ông Prystaiko nhấn mạnh rằng Kiev có thể sẽ một mình phải đối mặt với xung đột quân sự, nếu cuộc khủng hoảng hiện nay dẫn tới một cuộc chiến tranh.
Năm 2008, NATO từng để ngỏ khả năng kết nạp Ukraine làm thành viên. Tuy nhiên, Nga cực lực phản đối, cho rằng việc NATO kết nạp Ukraine sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với Nga khi tên lửa của NATO có thể được triển khai tới sát biên giới Nga và nhắm vào nước này.
Năm 2021, Nga gửi đề xuất an ninh cho Mỹ và NATO, yêu cầu NATO không tiếp tục mở rộng hoạt động quân sự tại Đông Âu và không kết nạp Ukraine làm thành viên.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng không thỏa hiệp trong các vấn đề cốt lõi của an ninh châu Âu. Ông Stoltenberg cho rằng Nga không có quyền phủ quyết trong việc Ukraine muốn gia nhập NATO và khẳng định mọi quốc gia có chủ quyền, bao gồm Ukraine, đều có quyền xin gia nhập liên minh.
Theo mô tả của Mỹ và phương Tây, tình hình Nga - Ukraine hiện rất căng thẳng. Nga đã tập trung hơn 100.000 quân và vũ khí hạng nặng gần biên giới với Ukraine trong những tuần gần đây, cảnh báo Moscow có thể phát lệnh tấn công bất cứ lúc nào. Về phần mình, Nga phủ nhận mọi cáo buộc tương tự.
Mộc Miên (Theo Guardian)