Báo điện tử VietNamPlust đưa tin, báo Sự thật châu Âu số ra ngày 29/1 dẫn lời Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Andriy Ermak cho biết Ukraine có thể chấp nhận cùng các đại diện của Nga tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu lần thứ hai.
Ông Ermak cho biết Kiev sẵn sàng xem xét khả năng như vậy, nhưng trước đó cần phải lập một “kế hoạch chung”. “Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi người. Tại bàn đàm phán, chúng tôi không chỉ có các đối tác từ các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) mà còn cả các nước ở Nam bán cầu”, ông lưu ý.
Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine nhấn mạnh hội nghị ở cấp lãnh đạo sẽ được tổ chức mà không có sự tham gia của Nga. Sau đó, sẽ có các cuộc họp và hội nghị ở các cấp độ khác nhau để xây dựng một kế hoạch. Khi sẵn sàng, Ukraine có thể cân nhắc mời đại diện Nga.
Trong khi đó, báo Dân trí dẫn nhận định từ Cựu đô đốc Mỹ James G. Stavridis - người từng giữ chức Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu cho rằng Nga và Ukraine có thể tìm thấy cơ hội đàm phán sau khi hai bên đều cảm thấy mệt mỏi vì cuộc xung đột kéo dài.
"Tôi nghĩ vào cuối năm nay, có lẽ sau cuộc bầu cử Mỹ, các bên sẽ có thời điểm để đàm phán", ông Stavridis so sánh giải pháp cuối cùng của cuộc xung đột Nga - Ukraine với cuộc chiến tranh Triều Tiên, suy đoán rằng Nga có thể giữ quyền kiểm soát một số khu vực của Ukraine, chẳng hạn bán đảo Crimea và hành lang trên bộ nối với Nga, trong khi Ukraine có thể tiến tới trở thành thành viên NATO.
"Tôi thấy Ukraine có thể sắp gia nhập NATO. Tôi nghĩ nội dung của thỏa thuận đó có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn trong năm nay", ông Stavridis nói thêm. Theo cựu tư lệnh NATO, "cả Nga và Ukraine đều ngày càng kiệt sức vì cuộc chiến này, xét về năng lực quân sự cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế đang được áp đặt cho cả hai bên".
Trước đó, cựu Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu James Stavridis cũng dự đoán cuộc xung đột Nga - Ukraine có xu hướng kết thúc giống Chiến tranh Triều Tiên, kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, một khu phi quân sự giữa hai bên, song các hành động đối đầu vẫn diễn ra, hay một cuộc xung đột đóng băng.
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài và trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Đã xuất hiện tâm lý mệt mỏi ở Mỹ và các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev. Nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Nga và Ukraine.
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý.
Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm do Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm ngoái.
Phương Uyên (T/h)