"Ukraine đang sử dụng bom chùm một cách phù hợp. Họ đang sử dụng chúng một cách hiệu quả và chúng thực sự có tác động đến các tuyến phòng thủ cũng như hoạt động phòng thủ của Nga", Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về truyền thông chiến lược John Kirby xác nhận hôm 20/7.
Trước đó, như đã đưa tin, ngày 7/7, Mỹ công bố kế hoạch gửi bom chùm tới Ukraine. Chỉ một tuần sau, quân đội Ukraine xác nhận đã nhận được loại vũ khí này trong lô viện trợ mới từ Mỹ.
Tổng thống Joe Biden mô tả quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine là biện pháp tạm thời, khẳng định Mỹ và các đồng minh đang thiếu hụt các loại đạn thông thường.
Washington thừa nhận các loại vũ khí này gây ra rủi ro ngày càng tăng đối với dân thường, song tuyên bố Kiev cam kết sử dụng một cách có trách nhiệm, tránh khu vực đông dân cư.
Ông Ryan Brobst, nhà nghiên cứu tại Quỹ Phòng vệ dân chủ (FDD), đánh giá: "Bom đạn chùm hiệu quả hơn bom đạn thông thường vì chúng gây ra thiệt hại diện rộng hơn. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với Ukraine khi họ tìm cách phá các vị trí phòng thủ kiên cố của Nga".
Ban đầu Mỹ cho rằng vũ khí này là không cần thiết đối với Kiev. Tuy nhiên, gần đây họ nhận định bom chùm có thể hữu ích cho Ukraine trong việc phá hủy hệ thống công sự của Nga, khắc phục bất lợi về nhân lực và pháo binh.
Bom chùm là loại vũ khí có tính sát thương diện rộng, khi nổ sẽ giải phóng hàng chục đến hàng trăm quả bom nhỏ hơn trên một khu vực rộng bằng vài sân bóng đá, giúp tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Song các đầu đạn này cũng mang một tỉ lệ thất bại nhất định. Đạn "chết" sẽ rơi lại các vùng đất bị tấn công và gây nguy hiểm cho người dân suốt hàng thập kỷ sau đó.
Bom chùm là loại vũ khí bị cấm ở hơn 120 quốc gia. Tuy nhiên, Ukraine, Mỹ và Nga đều không ký Công ước về Bom, đạn chùm (CCM) năm 2008.
Đức, Tây Ban Nha và Canada đã phản đối quyết định của Mỹ về việc gửi bom chùm sang Ukraine. Anh, nước ký cam kết không dùng bom chùm, kêu gọi không sử dụng loại vũ khí này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo nếu Mỹ cấp bom chùm cho Ukraine, quân đội Nga sẽ buộc phải dùng đến vũ khí tương xứng để đáp trả lực lượng Ukraine. Theo ông, cho đến nay, Nga đã hạn chế sử dụng bom chùm trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vì Moscow nhận ra mức độ nguy hiểm của chúng đối với dân thường. Ông cũng cảnh báo, việc Washington cung cấp những vũ khí như vậy sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột.
Mộc Miên(Theo CNN)