Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa điều trị thành công bệnh nhân bị uốn ván thể nặng nhập viện trong tình trạng gồng cứng toàn thân, suy hô hấp, sắp ngừng thở, phải mở khí quản cấp cứu và thở máy dài ngày.
Cụ thể, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bệnh nhân có tên là B.V.C. (57 tuổi, trú tại Cao Phòng, Hòa Bình).
Sau khi nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng co giật toàn thân, hai hàm răng cắn chặt nên không thể đặt ống nội khí quản, cơ thể cứng như khúc gỗ.
Gia đình cho biết trước đó 5 ngày, trong lúc chăn nuôi, ông C. không may bị cọc tre đâm vào mu tay phải, chảy máu nhiều. Vết thương sau đó sưng, nóng và hoá mủ. Ông C. cũng bị sốt và cứng hàm tăng dần.
Cùng ngày vào viện, bệnh nhân cứng hàm và khó thở nhiều hơn. Gia đình đưa đến trung tâm y tế huyện cấp cứu và sau đó ông C. nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Người đàn ông này có những cơn ngừng thở ngắn, phổi và khoang miệng có nhiều đờm ứ đọng, không thể ho khạc được.
Các bác sĩ đã nhanh chóng mở khí quản tối khẩn cấp (thực hiện trong 5 phút) để khai thông đường thở cho bệnh nhân, hỗ trợ thở máy, dùng thuốc kháng sinh, an thần, giãn cơ và huyết thanh trung hoà độc tố uốn ván.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được nội soi phế quản để bơm rửa đờm, chất xuất tiết trong phổi và vùng hầu họng, tập phục hồi chức năng vận động, dinh dưỡng lâm sàng.
Sau hơn 3 tuần được điều trị, chăm sóc tích cực, phối hợp nhiều chuyên khoa trong bệnh viện, ông C. đã qua cơn nguy kịch. Hiện tại, bệnh nhân cai được máy thở, tự thở tốt, ăn uống được, tập đi lại.
Từ sự việc trên, TS. BS. Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cảnh báo, uốn ván là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra, tỷ lệ tử vong có thể đến 90%, uốn ván rốn sơ sinh tử vong trên 95%.
Nếu sống sót, bệnh nhân thường để lại di chứng nặng nề, quá trình điều trị khó khăn và tốn kém. Do tiêm phòng không đầy đủ và không nhắc lại sau mỗi 10 năm nên số ca bệnh uốn ván vẫn xảy ra quanh năm, chủ yếu ở nam giới trong độ tuổi lao động, gây gánh nặng bệnh tật.
Để phòng ngừa uốn ván, cần rửa vết thương dưới vòi nước sạch, sát trùng bằng dung dịch có cồn, để hở vết thương, không bịt kín hoặc đắp bất cứ thứ gì lên vết thương. Nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiêm huyết thanh trung hòa độc tố uốn ván và theo dõi sức khỏe.