Trái với U20 Việt Nam, các đội Pháp, Honduras và New Zealand đều không tập nặng mà hội quân ngắn hạn, dễ tính điểm rơi phong độ cho các cầu thủ.
"Nói về chiến thuật hay chất lượng đội hình có thể không sánh ngang với những đội bóng như U20 Pháp, New Zealand nhưng tôi sẽ giúp cho các học trò của mình hơn đối thủ ở một phương diện khác, sức bền và nền tảng thể lực. Bóng đá hiện đại thì cứ chạy nhiều mới ra được chiến thuật", HLV Hoàng Anh Tuấn tiết lộ kế hoạch táo bạo của mình.
Về nước sau chuyến tập huấn ở Đức, HLV của U20 Việt Nam cho các học trò tập rất nặng từ việc chạy vài chục vòng quanh sân, nâng tạ, gập cơ bụng… Ông muốn khỏa lấp khoảng cách về chuyên môn bằng việc nâng cao tối đa về thể lực, để tranh chấp sòng phẳng, thậm chí là hơn đối thủ.
Nhưng điều này rất khó nếu không muốn nói là nhiệm vụ "bất khả thi".
Rất khó để U20 Việt Nam tạo ra sự đột biến về thể lực so với các đối thủ.
"Tôi nghĩ U20 Việt Nam có cơ hội tại FIFA U20 World Cup 2017. Tôi từng đối đầu với các đội trẻ của Honduras, họ là đội bóng mạnh mẽ, thể lực rất tốt", trung vệ Mobi Ferh của HAGL cho biết.
Mobi Ferh từng khoác áo U18, U20 Mỹ thi đấu ở các giải khu vực Bắc, Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF). Thi đấu ở vị trí trung vệ nên anh hiểu rõ sự lợi hại của những cầu thủ Honduras. Đội bóng của HLV Carlos Tabora vốn thi đấu thiên về sức mạnh và so về sức, họ khó lòng thua Việt Nam.
Tại giải U19 châu Á 2016, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn gây bất ngờ khi thi đấu ngang ngửa với những đội nổi tiếng to, khỏe như CHDCND Triều Tiên, Saudi Arabia, UAE và Bahrain.
Tuy nhiên ở trận bán kết với Nhật Bản, Việt Nam kém hơn toàn diện. Đội bóng Đông Á gây ấy lực rất tốt, nhanh hơn, mạnh hơn trong những pha bóng và thường chiến thắng ở những pha đối đầu. Ba bàn thua của U20 Việt Nam đều đến trong hiệp 1.
Điều đó cho thấy khả năng "chịu đựng" của U20 Việt Nam là có hạn và vẫn chưa vượt qua được tầm mức châu Á chứ đừng mơ mộng so thể lực với các đội khác trên thế giới.
Các đối thủ lo đá giao hữu, chẳng bận tâm về thể lực
So với các đội trong bảng, chỉ có Việt Nam là lo tập về thể lực. Các đội khác hầu như không bận tâm. Ưu thế của Pháp, Honduras và New Zealand là các cầu thủ vẫn đang trong trạng thái thi đấu. Vì thế, các HLV dễ dàng kiểm tra được phong độ của học trò cũng như tính toán điểm rơi.
U20 Pháp phải đến ngày 8/5 mới công bố đội hình sang Hàn Quốc. HLV Ludovic Batelli cũng chỉ cho đội hội quân vài ngày trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Giải VĐQG Pháp (Ligue 1) phải đến ngày 21/5 mới kết thúc và phần lớn các thành viên của U20 nước nay đều đang thi đấu cho các CLB. Do đó, họ không cần tốn thời gian cho việc tích lũy thể lực.
Ligue 1 kết thúc chỉ 1 ngày trước khi U20 Pháp có trận ra quân tại World Cup.
Còn U20 Honduras có 2 đợt tập trung ngắn sau khi vượt qua vòng loại. Cuối tháng 3, họ hội quân lại để thi đấu 3 trận giải U20 tứ hùng tại Hàn Quốc.
Sau đó, cầu thủ được trả về CLB thi đấu. Mới đây, HLV Tabora tập hợp lại đội hình để đá 2 trận với U20 Venezuela. Sắp tới, đội sẽ công bố danh sách 21 người đi Hàn Quốc và thi đấu giao hữu với U20 Nhật Bản trước khi bước vào giải đấu chính thức.
U20 New Zealand cũng chỉ cần 2 tuần tập trung.
Hay New Zealand, đội mới hội quân vào đầu tháng 5. HLV Darren Bazelley chỉ cần hơn 2 tuần để chuẩn bị mọi thứ cho các học trò trước khi đối đầu với U20 Việt Nam ngày 22/5. Họ không nói đến thể lực bởi điều này đã được đảm bảo khi các cầu thủ thi đấu liên tục thời gian qua.