Tỷ phú Nguyễn Văn Trường |
Tỷ phú Nguyễn Văn Trường, người sáng lập Tập đoàn Xuân Trường được xem là doanh nhân thực hiện nhiều dự án tâm linh có quy mô rất lớn tại các tỉnh phía Bắc, với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng...
Những năm gần đây, hàng loạt dự án quần thể du lịch tâm linh đồ sộ đua nhau mọc lên tại các địa phương trên cả nước. Trong đó, ở miền Bắc, Công ty Xây dựng Xuân Trường (do ông Nguyễn Văn Trường, còn được gọi là tỷ phú Xuân Trường) làm chủ đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng vào những dự án có quy mô lớn như Khu du lịch tâm linh quần thể Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình); Khu Du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam), khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)…
Một bản tin đăng trên Báo Giao thông mới đây cho thấy, các dự án này đều do doanh nghiệp xin cấp đất từ địa phương thời hạn khai thác lên đến 70 năm.
Cụ thể, dự án Khu tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 15.000 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục, trong đó có cả hình thức đầu tư công lẫn hợp tác công - tư (PPP) và đầu tư tư nhân. Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035 trên diện tích khoảng 2.500 ha.
"Siêu” dự án Hồ Núi Cốc của “đại gia” Xuân Trường. Ảnh: Dân trí |
Dự kiến phân khu chức năng chính của dự án, gồm Khu tâm linh có Chùa Tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc.
Đặc biệt, dự án còn có Tháp phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, nền móng Tháp có chiều rộng 10.000m2, có thể chứa được từ 5 đến 10 nghìn người.
Năm 2018, cơ quan chức năng Thái Nguyên đã phải lên tiếng giải thích khi có thông tin siêu dự án này ngừng xây dựng.
Bên cạnh khu dự án Khu tâm linh Hồ Núi Cốc thì khu tâm linh Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam) do “đại gia” Xuân Trường làm chủ đầu tư cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của dự luận.
Theo Trí thức trẻ, khu dự án tâm linh này có tổng diện tích lên tới 5.100ha (bằng kích thước của gần 300 sân vận động quốc gia Mỹ Đình cộng lại).
Khu vực quy hoạch phát triển Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc thuộc địa phận thị trấn Ba Sao và 03 thôn: Vồng, Khuyến Công và Khả Phong thuộc xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Diện tích vùng lõi ưu tiên tập trung phát triển Khu DLQG Tam Chúc là 4.000 ha.
Đây là dự án tâm linh thu hút rất đông đảo du khách thập phương và phật tử đến chiêm bái. Đặc biệt, chùa Tam Chúc cũng là nơi được chọn để tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak 2019).
Một trong những công trình gắn liền với tên tuổi đại gia Xuân Trường phải kể đến là Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính (Ninh Bình). Siêu dự án này được vào năm 2004,với quy mô 539ha, có chuông lớn nhất Việt Nam 36 tấn, tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, có hành lang La Hán 3km dài nhất châu Á…
Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, chùa Bái Đính mới chỉ hoàn thiện được khoảng 10 hạng mục và vẫn còn hơn 10 hạng mục nữa chưa được xây dựng xong.
Chùa Bái Đính. Ảnh: Trí thức trẻ |
Theo Dân trí, với phương thức đầu tư “đan xen” vốn Nhà nước, doanh nghiệp Xuân Trường cùng một lúc đảm nhận “hai vai”. Trước hết, Xuân Trường trực tiếp là bên B chịu trách nhiệm thi công các hạng mục công trình từ nguồn vốn ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng. Còn bên A là Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An thừa ủy quyền của UBND tỉnh Ninh Bình ký hợp đồng với doanh nghiệp.
Mặt khác, Xuân Trường cũng là đơn vị tham gia vào lĩnh vực kinh doanh hoạt động du lịch khi bỏ vốn xây dựng khu chùa Bái Đính từ chân lên tới đỉnh núi Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn và đầu tư một phần vốn vào Khu du lịch sinh thái Tràng An.
Và dù đưa ra mục tiêu xây dựng công trình văn hóa tâm linh song dự án nào của Xuân Trường cũng đi kèm với khách sạn, nhà hàng, biệt thự nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí…
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận: “Nếu xét về góc độ nhà đầu tư, ai cũng mong muốn tối đa hóa hiệu quả dự án. Do vậy, việc đưa vào hoạt động nhiều dịch vụ, ngành nghề khác nhau trong một dự án cũng là lẽ thường tình. Chỉ có điều hoạt động đầu tư ấy có phù hợp đáp ứng với lợi ích chung của xã hội hay không? Phải quản lý như thế nào để đảm bảo hiệu quả cả về phía Nhà nước lẫn chủ đầu tư, tránh việc lợi dụng biến tướng”.
Liên quan tới lĩnh vực văn hóa tâm linh, thông tin trên Tri thức trực tuyến, vừa qua, trước câu hỏi đại biểu quốc hội rằng có “kinh doanh chùa” hay không, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không có quy định về kinh doanh chùa.
Đăng đàn trả lời chất vấn ý kiến của mộ số ĐBQH mới đây về thông tin công chức góp tiền xây chùa để kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, hiện chưa phát hiện trường hợp cán bộ công chức nào góp tiền xây dựng chùa để kinh doanh trục lợi.
Vũ Đậu (T/h)