(ĐSPL) - "Tôi muốn để lại một dấu ấn nào đó, bởi người chết thì không cần tiền", Fast Salt Times dẫn lời ông Phạm Nhật Vượng cho biết.
Ngày 19/8, trang tin chuyên về kinh doanh của Nga Fastsalttimes đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Hành trình từ mỳ gói và tua-vít trong túi đến người giàu nhất Việt Nam” ca ngợi tỷ phủ giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới do Forbes bình chọn, đồng thời nằm trong top 20 gương mặt mới nổi bật của Forbes năm 2013.
Mở đầu bài viết tác giả đưa ra nhận xét như sau: Cuộc chiến tại Ukraine khiến nhiều người lại nghĩ ngay đến nhà sáng lập thương hiệu mỳ ăn liền “Mivina” Phạm Nhật Vượng với ấn tượng khó quên, bởi các sản phẩm đồ ăn nhanh của ông rất cần thiết cho những người sống trong vùng chiến sự và cụm dân cư đói nghèo.
Một lần nữa, món ăn này lại trở nên phổ biến đối với người dân Ukraine ở những thị trấn nghèo vùng chiến sự.
Các sản phẩm ăn liền của thương hiệu Mivina do tông Phạm Nhật Vượng lập ra ở Ukraine. |
Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968, quê gốc ở Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Phạm Nhật Vượng có tuổi thơ không được như các bạn đồng trang lứa khi được sinh ra vào đúng thời bao cấp khó khăn, lại sống trong gia đình đông anh em, cha là bộ đội. Cuộc sống nghèo khó khiến mẹ ông phải bán thêm quán nước chè để có thêm tiền trang trải và nuôi các con ăn học. Khi đỗ điểm cao vào trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, nhờ thành tích xuất sắc về toán học, ông Vượng đã giành được một suất học bổng du học. Năm 1987, ông được chọn đi du học tại Matxcơva. Tại đây, ông học về chuyên ngành kinh tế và địa chất. Năm 1993, ông tốt nghiệp Học viện địa chất Matxcơva.
Ông khởi nghiệp với việc mở một cửa hàng ăn tại nhà số 5, cao tốc Aminevskoe, nơi có nhiều người Việt sinh sống vào những năm 1990. Sau khi kết hôn, ông chuyển tới thành phố Kharkov, tiếp tục vay 10.000 USD và đến Kiev, mở một cửa hàng ăn khác lấy tên Việt Nam Thăng Long.
Đến ngày 8/8/1993, ông lập thương hiệu Mivina và bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền sau khi vay bạn bè 10.000 USD từ những người bạn Việt Nam với lãi suất 8\%/tháng và tiếp tục vay Ngân hàng châu Âu với lãi suất 12\% để mở rộng sản xuất sang các sản phẩm khác như rau thơm khô đóng gói, bột khoai tây, soup, …
Sự xuất hiện của mỳ "Mivina" vào năm 1995 rất đúng thời điểm nên nhanh chóng trở nên phổ biến ở đất nước Ukraine. Chỉ trong vòng một năm, Phạm Nhật Vượng đã bán được 1 triệu gói mỳ. Đến năm 2004, mức tiêu thụ mỳ Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97\% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này.
Thương hiệu Mivina sau đó trở thành tên gọi chung cho tất cả đồ ăn nhanh ở Ukraine. Nguyên liệu sản xuất mỳ được nhập từ Việt Nam và Đài Loan.
Theo ước tính của tạp chí Forbes, tính đến tháng 8/2015, tổng tài sản của ông Vượng đạt 1,65 tỷ USD và là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, vốn hóa của Vingroup vượt 3 tỷ USD. |
Năm 2010, tập đoàn Nestle của Thụy Sỹ đã chi 150 triệu USD để mua lại công ty Technocom – một công ty hàng đầu trong lĩnh vực đồ ăn nhanh của Ukraine do ông Phạm Nhật Vượng thành lập năm 1993.
Thời điểm này, Technocom có hai nhà máy ở Kharkov với doanh thu lên tới 100 triệu USD/năm. Technocom có 1.900 nhân viên, sản phẩm của công ty này được xuất sang 20 quốc gia, trong đó có Nga, các nước Baltic, Đức, Hungary, Israel, Ba Lan và Romania.
Những năm 1997 – 1998, ông Vượng chia sẻ chỉ nghĩ kiếm được 2 triệu USD sẽ ngừng kinh doanh về hưu, nhưng không dừng ở đó, ông quyết định về nước làm ăn.
Năm 2000, song song với việc điều hành công việc kinh doanh ở Ukraine, ông Vượng mở 2 công ty tại Việt Nam. Ông bắt đầu thu lợi nhuận từ các doanh nghiệp Ukraine đầu tư bất động sản ở Việt Nam sau khi thành lập Vinpearl năm 2000 và Vingroup vào năm 2002.
Năm 2007, Vingroup niêm yết trên sàn chứng khoán và hiện là một trong 5 công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Các dự án của tập đoàn này gồm có khu nghỉ dưỡng Vinpearl, trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu và các tổ hợp căn hộ hạng sang tại Hà Nội, trung tâm mua sắm Vincom Center tại Sài Gòn và nhiều dự án khác.
Trước khi triển khai dự án Vinpearl, ông Phạm Nhật Vượng đã đích thân sang Phuket Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, và sang Singapore để tìm hiểu về trung tâm thương mại.
Năm 2009, vụ tai nạn máy bay A330 ở Đại Tây Dương đã gây ấn tượng mạnh với ông Phạm Nhật Vượng. Chiếc máy bay Airbus A330-203 thuộc hãng hàng không Air France trên đường từ Rio de Janeiro đến Paris đã rơi xuống biển, tất cả 228 người trên máy bay thiệt mạng.
Sau sự kiện này, ông Phạm Nhật Vượng đã xem xét lại thái độ của mình với cuộc sống: "Tôi đột nhiên nhận ra rõ ràng rằng tôi cũng có thể bị rơi xuống đại dương và biến mất không để lại một chút dấu vết. Điều đó thật khủng khiếp".
Suy nghĩ này đã giúp ông đưa ra quyết định bán công ty ở Ukraine và tập trung vào công việc kinh doanh tại Việt Nam, nâng cao đời sống và hình ảnh của TP.HCM, Hà Nội.
"Nếu tôi làm được điều này, tôi sẽ rất hạnh phúc. Tôi muốn để lại một dấu ấn nào đó, bởi người chết thì không cần tiền", Fast Salt Times dẫn lời ông Phạm Nhật Vượng cho biết thêm.
Hiện nay, theo ước tính của tạp chí Forbes, tính đến tháng 8/2015, tổng tài sản của ông Vượng đạt 1,65 tỷ USD và là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, vốn hóa của Vingroup vượt 3 tỷ USD.
Ông được ví là “Donald Trump Việt Nam”. Ngoài bất động sản, Vingroup còn đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác trong đó có các dự án giáo dục và tham gia làm từ thiện, xây dựng các tổ hợp công viên như Công viên trung tâm ở New York, xây dựng các tòa nhà chọc trời, khu du lịch trên đảo Phú Quốc, tạo lập một hệ thống bán lẻ với 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng. Ông đang thực hiện dự án thương mại điện tử e-commerce có giá trị tới 50 triệu USD mà mình ấp ủ từ năm 2006 và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015.
Ông Phạm Nhật Vượng có một mơ ước biến Hà Nội và TPHCM thành những nơi tốt hơn cả Hong Kong và Singapore.
Ngọc Anh(Tổng hợp)