(ĐSPL) - Dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Tập đoàn Vingroup năm qua đã lọt vào danh sách số ít doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu tỷ đôla Mỹ.
"Mỏ vàng" của Vingroup ở đâu?
Tập đoàn Vingroup là một trong những tập đoàn tư nhân có vốn hóa lớn nhất trên thị trường Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam, Vingroup ngày càng lớn mạnh, dần trở thành một tập đoàn đa ngành.
Năm 2014 vừa qua là một năm gặt hái được nhiều thành công của Vingroup khi doanh thu của Tập đoàn này đạt mức kỷ lục: 27.724 tỷ đồng. Mức doanh thu này tăng 51\% so với năm 2013.
Đây là mức doanh thu cao nhất kể từ khi Vingroup được thành lập, đưa tập đoàn này vào danh sách số ít doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu tỷ đôla Mỹ.
Trong đó, doanh thu từ việc chuyển nhượng bất động sản là “mỏ vàng” đem lại doanh thu cũng như lợi nhuận cao nhất cho Tập đoàn.
Trong năm 2014, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản của tập đoàn tăng 49\% so với năm 2013, đạt 21.772 tỷ đồng, chiếm 78,53\% tổng doanh thu thuần.
Doanh thu từ việc chuyển nhượng bất động sản là “mỏ vàng” đem lại doanh thu cũng như lợi nhuận cao nhất cho Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. |
Lợi nhuận gộp của lĩnh vực này trong năm qua đã đem lại cho tập đoàn 8.052 tỷ đồng (chiếm 77,13\% lợi nhuận gộp năm 2014).
Cho thuê bất động sản là lĩnh vực thứ 2 đem lại nguồn thu “khủng” cho Vingroup. Doanh thu thuần từ việc cho thuê bất động sản đạt 2.129 tỷ đồng, chiếm 7,68\% trong tổng doanh thu thuần và 11,87\% lợi nhuận gộp.
Lĩnh vực cung cấp dịch vụ khách sạn du lịch và vui chơi giải trí trong năm qua mang lại 2.114 tỷ đồng doanh thu và 839 tỷ đồng lợi nhuận cho tập đoàn này.
657 tỷ đồng và 230 tỷ đồng là doanh thu lần lượt của các hoạt động dịch vụ y tế và giáo dục của Vingroup.
Trong giáo dục, Vinschool được coi là điểm sáng của Hà Nội khi thu hút hàng nghìn lượt học sinh trong năm khai giảng đầu tiên. Còn doanh thu của Vinmec trong năm cũng cao hơn 133\% so với năm 2013.
Doanh thu thuần từ hoạt động bán lẻ và các dịch vụ khác chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn có doanh thu tỷ đô này trong năm 2014. Tổng cộng 2 hoạt động này chiếm 2,96\% tỷ trọng doanh thu theo ngành.
Trong năm 2015, Vingroup vẫn đưa ra định hướng phát triển những lĩnh vực thế mạnh của mình nhằm “giữ vững vị thế và phát huy lợi thế của doanh nghiệp đầu ngành có vai trò dẫn dắt, tiến xa hơn hướng đến các mục tiêu chuẩn tầm khu vực và quốc tế.
Chiến lược kinh doanh hướng đến sự phát triển bền vững, song hành cũng sự phát triển của xã hội, tăng cường các hoạt động vì cộng đồng”, báo cáo chỉ rõ.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: 'Không thể làm mãi một nghề'
Với việc Tập đoàn Vingroup đang mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực, đa ngành đa nghề, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết: "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, không thể làm mãi một nghề được".
Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng tiến hành đầu tư trong nhiều lĩnh vực
Chỉ trong một thời gian ngắn, Vingroup liên tục thực hiện những thương vụ "khủng" và dường như chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong tháng 3, Vingroup liên tục có hai văn bản gửi lên Bộ Giao thông vận tải đề nghị được mua lại hai cảng biển lớn nhất Việt Nam là Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn.
Cụ thể Tập đoàn Vingroup bày tỏ nguyện vọng được làm nhà đầu tư chiến lược của hai đơn vị là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn) và Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (Cảng Hải Phòng).
Tiếp đó, ngày 10/4, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức ký kết hợp đồng mua lại 100\% vốn sở hữu của Hệ thống siêu thị Vinatex (Vinatexmart) thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Câu chuyện đầu tư đa ngành thời gian gần đây của Vingroup cũng trở thành chủ đề nóng. |
Thương vụ hợp nhất này dựa trên sự kết hợp lợi thế sẵn có về hệ thống phân phối, nguồn hàng của Vinatexmart với nguồn lực tài chính lớn và năng lực quản lý dày dạn kinh nghiệm của Vingroup, nhằm triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả kế hoạch phát triển hệ thống bán lẻ của tập đoàn.
Sau đó, ngày 20/4, quyết định chính thức về việc góp vốn vào Công ty TNHH một thành viên Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) đã được Tập đoàn Vingroup công bố trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.
Cụ thể, Vingroup chi gần 1.500 tỷ để mua gần 90\% cổ phần Triển lãm Giảng Võ.
Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã tiếp tục đề xuất Bộ GTVT mong muốn mua lại 3 nhà ga đường sắt lớn nhất Việt Nam, gồm: ga Hà Nội, ga Sài Gòn và ga Đà Nẵng.
Trước đó, Vingroup hiện đã triển khai thêm 2 dự án bất động sản mới là Vinhomes Central Park tại TP.HCM (42ha) và Vinhomes Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội (dự án đã được thành phố cấp giấy chứng nhận đâu tư, thi công xong phần móng và đang thi công hoàn thiện đến tầng 15, thi công phần thô đến tầng 21); đồng thời tiếp tục bàn giao hạ tầng và hàng nghìn căn hộ tại Vinhomes Times City (diện tích 36 ha, tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ, tỷ lệ lợi ích của Vingroup 95,8\%), Royal City (tổng giá trị dự án 18.000 tỷ đồng diện tích 120.942 m2) và Vinhomes Riverside.
Ngoài ra Vingroup đưa vào hoạt động TTTM Vincom Hạ Long tại Quảng Ninh, khởi công bệnh viện Vinmec Phú Quốc.
Về khu đô thị tại Đan Phượng (diện tích 130ha từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở), Dự án Dream City tại Hưng Yên (diện tích 400 ha) đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Về lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, năm 2014 Vingroup khai trương quần thể du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc, khởi công Vinpearl Premium tại Nha Trang và Phú Quốc.
Về mảng bán lẻ, Vingroup cho ra đời chuỗi siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện ích Vinmart+.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của Tập đoàn Vingroup tổ chức sáng ngày 23/4, Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng cho hay, sau một thời gian dài chuẩn bị, năm nay sẽ là thời điểm "vàng" để Tập đoàn “bùng nổ” với một loạt các dự án sẽ được triển khai.
Câu chuyện đầu tư đa ngành thời gian gần đây của Vingroup cũng trở thành chủ đề nóng, được cổ đông đặt câu hỏi với lãnh đạo tập đoàn.
Ông Phạm Nhật Vượng khẳng định việc đầu tư không phải theo phong trào, theo mốt mà mục tiêu là tạo ra giá trị sinh thái toàn diện, trọn vẹn cho khách hàng: từ y tế, giáo dục, nghỉ dưỡng, nông nghiệp, mua sắm... và tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác.
"Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, không thể làm mãi một nghề được", ông Vượng nhấn mạnh.
Về nguồn lực thực hiện các dự án, ông Vượng cho biết, với doanh số bán hàng trong năm 2015 dự kiến lên tới 40.000 - 60.000 tỷ đồng, Vingroup thừa đủ khả năng để triển khai các dự án định làm.
Đồng thời, ông Vượng cũng khẳng định nguyên tắc đầu tư của Tập đoàn là sẽ rút lui ngay nếu nhận thấy dự án không có tương lai, không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, cổ đông và tạo ra lợi ích cho khách hàng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Xem thêm video: Lâm Đồng mưa lớn làm sập bờ kè, xe con 7 chỗ bẹp dúm[mecloud]Js5RzwE0gS[/mecloud]