Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc mạng xã hội Twitter chặn quảng cáo của hãng tin Sputnik và Đài RT là “vụ công kích chưa từng có”, vi phạm quy định về tự do ngôn luận.
Twitter đã cấm quảng cáo từ RT và Sputnik vì cáo buộc 2 kênh truyền thông này liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Lệnh cấm được đưa ra chỉ vài ngày trước khi giám đốc điều hành của Twitter và đại diện của các kênh truyền thông xã hội khác xuất hiện trước Quốc hội Mỹ làm chứng về những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Twitter đã sử dụng báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ - vốn rất mơ hồ để biện minh cho hành động của họ, RT đánh giá. Báo cáo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI), một phiên bản chưa được phân loại xuất bản vào tháng 1/2016 đã dành tới 7 trang cho RT và ảnh hưởng của hãng này đối với cuộc bầu cử Mỹ nhưng không có bằng chứng cứng.
"Twitter đã quyết định hành động dựa trên báo cáo cũ và mất uy tín này vào thời điểm xuất hiện cái gọi là hồ sơ Steele, hồ sơ của Nga", một cựu quan chức ngoại giao của Mỹ là Ted Seay nói với RT. Hầu hết các chuyên gia của RT sau đó cũng đồng ý rằng Twitter dường như đã bị áp lực bởi giới tinh hoa Mỹ cho hành động lần này.
Twitter đã cấm quảng cáo của RT và Sputnik. Ảnh: Yahoo |
"Chúng tôi biết rằng không chỉ Twitter mà cả Facebook, Google, Microsoft và các công ty khác có mối liên hệ chặt chẽ với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) về các chương trình giám sát của họ. Và họ được trả lương cho sự tham gia vào các chương trình này", Jim Jatras, một cựu nhân viên ngoại giao khác của Mỹ nói với RT.
Trong khi đó, ông Mark Almond, giám đốc của Viện Nghiên cứu Khủng hoảng tại Oxford cho biết Twitter đã đưa ra quyết định xuất phát từ sự sợ hãi.
Bộ Ngoại giao Nga dọa trả đũa sau khi mạng xã hội Mỹ Twitter chặn quảng cáo của hãng tin Sputnik và Đài RT. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng quyết định của Twitter rõ ràng đã vi phạm thông lệ quốc tế và do áp lực từ các cơ quan Mỹ.
“Chúng tôi xem đây là một hành động gây hấn khác nhằm cản trở hoạt động của Đài RT Nga”, bà Zakharova phát biểu, đồng thời đe dọa sẽ có hành động đáp trả. Bà cho rằng đây là “vụ công kích chưa từng có” đối với truyền thông Nga và vi phạm quy định về tự do ngôn luận ở Mỹ.
Nghị sĩ Konstantin Kosachev, chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Twitter và cho rằng công ty này làm lợi cho các chiến lược gia Mỹ đang cố tạo chiến dịch chống Tổng thống Donald Trump. Ông Kosachev nói thêm rằng mình quyết định xóa tài khoản Twitter cá nhân vì công ty này đã bị “chính trị hóa”.
(Theo RT)