(ĐSPL) - Người dân thôn Phú Mộng, làng Kim Long (nay là phường Kim Long) đa phần là con quan, cháu chúa, nên ai cũng cố giữ nếp văn hóa ứng xử thanh lịch, vô cùng kiên nhẫn, cởi mở với du khách. Có lẽ một phần là những người có xuất thân dòng dõi quý tộc nên trong lối sống của họ luôn có một sự hòa quyện giữa sự trầm mặc, giản dị của con người Huế nói chung với những lễ nghi, tập tục chỉ có ở trong cung.
Đằng sau cánh cửa gỗ trăm năm tuổi
Ngay đầu đường Kim Long, men theo bờ dòng Hương Giang trôi hiền hòa là vùng đất hình thành nên những chốn nhà vườn của các ông chúa, bà hoàng muốn rời xa chốn kinh đô để tìm về sự hiền hòa, thơ mộng của vùng ngoại ô này.
Đầu tiên, là ngôi nhà cũ thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, gồm ba gian hai chái, chạm trổ tinh xảo, được dựng cách đây đúng 187 năm. Từ phủ Tả quân trở đi, là những khu biệt phủ nằm sâu sau những tán lá, bức tường đá rêu phong như Phủ Diên Phước công chúa, Phủ Lê Văn Duyệt, nhà ở của quan Thượng thư bộ Lễ Phạm Hữu Điền.
Cổng phủ thờ công chúa Diên Phước. |
Có nhà còn năm, sáu nghìn mét vuông đất hoa viên trồng sapôchê, cam, quýt, thanh trà, nhiều loại hoa vạn thọ, hồng, cây cảnh. Dù trời nắng nóng, đi trong vườn vẫn thấy mát mẻ, dễ chịu. Trong nhà còn lưu giữ được khá nhiều đồ vật bằng gỗ, sứ quý giá cả về tinh thần lẫn vật chất từ thời nhà Nguyễn.
Người dân thôn Phú Mộng, làng Kim Long (nay là phường Kim Long) đa phần là con quan, cháu chúa, nên ai cũng cố giữ nếp văn hóa ứng xử thanh lịch, vô cùng kiên nhẫn, cởi mở với du khách. Có lẽ một phần là những người có xuất thân dòng dõi quý tộc nên trong lối sống của họ luôn có một sự hòa quyện giữa sự trầm mặc, giản dị của con người Huế nói chung với những lễ nghi, tập tục chỉ có ở trong cung.
Tính cách người con gái Kim Long cũng từ đó mà hình thành. Bởi nói tính cách riêng của con gái Huế xưa nói chung và con gái xứ Kim Long nói riêng hình thành không phải là tính cách xuất phát từ những cung điện nguy nga, nhiều điều cấm kỵ. Mà chính là xuất phát từ những phủ đệ xưa, nơi mà người con gái được dạy bảo những lễ nghi của Hoàng tộc cùng với cách ứng xử hòa nhã, lịch thiệp, hòa đồng với người dân nơi phố thị.
Ngày nay, trải qua những biến đổi lịch sử, phía sau những cánh cửa phủ làm bằng gỗ hàng trăm năm tuổi, những con người ở đây, những người phụ nữ Kim Long đã sinh sống từ lâu đời ở chốn phủ đệ này vẫn còn giữ lại được tính cách Huế xưa. Một phần vì muốn lưu giữ những truyền thống gia đình, một phần muốn thế hệ sau này tiếp tục sống tốt đẹp như người xưa.
Dưới ánh nắng chiều lan tỏa qua những rặng cây trái trong vườn, chúng tôi ngồi trò chuyện với bà Phạm Thị Mai, chủ sở hữu hiện nay của phủ thờ Diên Phước Công chúa. Diên Phước Trưởng Công chúa có tên húy là Nguyễn Phúc Hảo, SN 1824, con gái trưởng vua Thiệu Trị, chị ruột vua Tự Đức.
Năm 1846 bà lập gia đình với phò mã Nguyễn Văn Ninh và được vua cha làm nhà cho ở riêng. Bà mất năm 1848 lúc vừa tròn 24 tuổi. Vua Tự Đức sau khi lên ngôi đã cho xây dựng lại ngôi nhà với tên gọi "Diên Phước Trưởng công chúa Từ" để làm nơi thờ tự chị gái ruột của mình.
Nhà thờ Diên Phước Trưởng công chúa là một Phủ đệ, dạng nhà vườn đặc thù ở Huế có lối kiến trúc bố trí hình chữ "Khẩu" với các nếp nhà rường truyền thống, tọa lạc trong khuôn viên rộng lớn, ẩn sau chiếc cổng vòm cổ kính.
Chồng của bà Mai là ông Nguyễn Hân - thế hệ thứ 4 của công chúa. Bà Mai tâm sự rằng chính bà cũng là một cô gái xuất thân từ gia đình quý tộc vì cha đẻ thân sinh ra bà cũng là thượng thư trong triều. Bà về nhà chồng khi mới mười tám tuổi, nhưng với vốn kiến thức cùng sự giáo dục căn bản bà đã hòa nhập nhanh với cuộc sống nhà chồng, một mình có thể đảm đương các công việc tự lo việc kỵ giỗ, đến những việc trông coi khu thờ cúng, thuê người chăm sóc khu vườn trước đây gần mười ngàn mét vuông.
Theo lời kể của bà, từ khi bà về đây làm dâu, cả nhà chưa bao giờ to tiếng, mọi người sống yêu thương nhau, luôn hướng tới điều thiện. Vì vậy, bây giờ thế hệ con cháu trẻ đều được hưởng phúc đức từ ông, bà đều có cuộc sống tốt đẹp. Bây giờ, bà Mai đã ngoài tám mươi nhưng vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh và đặc biệt ở bà vẫn còn giữ những nét đẹp của người con gái Kim Long xưa. Vừa quý phái, lịch thiệp, vừa dịu dàng, bao dung.
Giai nhân có tấm lòng thủy chung son sắt
Còn nhớ có lần trao đổi về các giai nhân Huế ngày xưa với nhà Huế học Hồ Vĩnh, ông cứ khăng khăng bảo rằng: "Nhắc đến giai nhân Huế xưa mà lại ở cái vùng đất Kim Long thì phải nhắc đến bà Mai Thị Vàng. Nhà ở ngay sát thôn Phú Mộng, nổi tiếng vừa đẹp về nhan sắc vừa đẹp về tính cách khiến vua Duy Tân lúc bấy giờ đem lòng yêu thương mà đến nhà xin cưới bà làm vợ".
Tìm về căn nhà đặc biệt mà lúc xưa là nơi cư trú của những người phụ nữ nổi tiếng một thời, điều khiến chúng tôi ấn tượng là kiến trúc đặc biệt của ngôi nhà. Căn nhà theo kiến trúc nhà rường nổi tiếng ở Huế, nhà có ba gian, gian giữa làm hoàn toàn bằng gỗ mà theo người cao tuổi nhất hiện nay trong nhà là đã có hơn 100 năm tuổi.
Ngoài sân vườn vẫn còn dấu tích của bức hoành phi chạm rồng cùng hai hàng cau cao lớn. Phía trong nhà, bàn thờ của bà Mai Thị Vàng được trang trí rất chu đáo ngay phía dưới di ảnh của cụ Mai Khắc Đôn, đấng sinh thành của bà.
Vào trong nhà, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Mai đon đả mời ngồi dùng nước. Bà là vợ của ông Mai Khắc Lưu, cháu gọi bà Vàng là cô ruột. Bà cụ năm nay đã vừa 70 tuổi và đã về nhà này làm dâu gần hết cả cuộc đời.
Bà Mai Thị Vàng |
Nhấp ngụm nước chè xanh, bà mường tượng về chuyện ngày xưa, lúc bà có những năm tháng chăm sóc, nấu ăn cho bà Mai Thị Vàng lúc về già. Còn chuyện về trước đây, lúc thời con gái của bà Vàng thì bà Mai chỉ được nghe qua lời kể của nhà chồng là chính.
Bà Mai Thị Vàng (1899-1980) sinh ra trong một gia đình gia giáo, từ nhỏ bà đã được bố mẹ thuê thầy về nhà dạy riêng cho bà, nhờ bản tính thông minh có sẵn và sự chịu khó học hành nên người con gái tên Vàng không những có nét đẹp đoan trang, mà bà còn nổi tiếng là người học rộng tài cao.
Năm 1915, vua Duy Tân trong một lần du ngựa qua nhà ông Mai Khắc Đôn, đã gặp nhóm thiếu nữ đang chơi ngoài sân, trong đó có Mai Thị Vàng. Nét đẹp của cô gái tuổi đôi mươi đã thu hút nhà vua ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Hôm sau, nhà vua đã ngỏ ý với ông Mai Khắc Đôn rồi mời hai bà có uy tín trong triều đình cùng một số thiếu nữ lên thăm và xem mặt Mai Thị Vàng. Sau khi xem xong, triều đình đồng ý và tổ chức lễ nạp vi, đồng thời cung tế cho gia đình những điều cần thiết nhất để chuẩn bị cho ngày lễ cưới.
Đầu năm 1916, đám cưới diễn ra long trọng suốt một tuần lễ, bao gồm quan chức trong triều đình, họ hàng và bà con hàng xóm.
Đó không chỉ là niềm vui mừng của gia đình ông Đôn mà còn là niềm kiêu hãnh của làng Kim Long. Bởi thời điểm bấy giờ theo người nhà kể lại hiếm ai trong làng có thể sánh được với bà Vàng.
Trong ký ức người cháu dâu còn sống, bà Vàng là một người vô cùng phúc hậu và giản dị. Từ khi trở về từ Pháp mặc dù vua Duy Tân qua đời, bà vẫn một lòng một dạ sắt son, sống một mình trong cung đến lúc tuổi già mới trở về bên.
ĐINH NHƯ TIẾN
Xem thêm video:
[mecloud]ixcbhzY7Mv[/mecloud]