+Aa-
    Zalo

    Tuyệt chiêu làm “nhà điều hòa” đạn bắn không thủng của người Mông miền biên viễn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhà trình tường là một trong những đặc trưng của người Mông ở vùng cao Y Tý, Bát Xát, Lào Cai. Nhà có thiết kế đặc biệt, rất mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông.

    Nhà trình tường là một trong những đặc trưng của người Mông ở vùng cao Y Tý, Bát Xát, Lào Cai. Nhà có thiết kế đặc biệt, rất mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Với du khách miền xuôi như chúng tôi, đó là những căn nhà “điều hòa” kỳ diệu, khi bí quyết làm nhà chỉ có đất và đá.

    Trẻ con cũng biết kỹ thuật trình tường

    Người đàn ông dân tộc Mông trắng trẻo, hiểu biết và dí dỏm tên Sùng A Hờ (SN 1984) chìa ra trước mặt tôi một nắm đất và một hòn đá dính đầy đất, nói bằng giọng lơ lớ tiếng Kinh nghe như câu đùa: “Nó là một trong những điều quý giá nhất của người Mông chúng tôi đấy”.

    Chỉ đất với đá mà như “cả sự sống”, có phần vô lý. Nhưng sự nghiêm túc của A Hờ khiến chúng tôi chuyển dần sang tò mò và nể phục sau khi nghe những câu chuyện nhuốm màu cổ tích xa xưa nhưng lại gắn bó với đời thực, việc thực.

    Nhà trình tường của người Mông ở Y Tý, Lào Cai. (Ảnh: Đức Ky).

    Chuyện đời thường ấy đơn giản là việc làm nhà. Làm nhà với một người rất quan trọng, nó khẳng định kinh tế, sự trưởng thành, trách nhiệm với gia đình. Nhưng với người Mông nơi đây, làm nhà còn để tạ ơn đấng tối cao mang tên Hồng Ngài đã ban phước lành cho cuộc sống của mình.

    A Hờ - một người bản địa vui tính như “kho” lịch sử văn hóa của người Mông ở xã vùng cao Y Tý. Ngay cả những người có chức sắc ở nơi đây cũng phải thừa nhận rằng, tuổi còn trẻ nhưng hiểu biết của A Hờ về mảnh đất quê hương rất sâu và rộng. Cũng bởi, A Hờ là một trong những “hoa tiêu” nổi tiếng của vùng, chuyên dẫn khách miền xuôi đi khám phá Y Tý.

    A Hờ kể rằng, người Mông ở khắp vùng cao Y Tý ai cũng biết chuyện cổ tích về ngôi nhà của mình. Đứa trẻ con lớn lên được cha mẹ kể lại, người lạ đến đây được người bản địa kể lại.

    Họ muốn lưu giữ câu chuyện như một sự biết ơn trong tâm linh mỗi người, để yên tâm làm ăn và mưu sinh. Ở những vùng núi cao của đất trời Tây Bắc, một viên đá, một dòng suối cũng có thể mang trong nó cả câu chuyện linh thiêng. Đó là điều đã được kiểm chứng. Bởi thế, chúng tôi mặc nhiên tin lời A Hờ, như người Mông tin vào đấng tối cao trong tâm linh của họ.

    Người Mông đã biết tìm lên Y Tý sinh sống từ rất lâu, ngày núi rừng còn rậm rạp, âm u và thưa vắng người sinh sống. Họ làm việc chăm chỉ, quanh năm cuốc nương, làm rẫy, đi rừng kiếm củi tự cung tự cấp cho cuộc sống của mình. Thế nhưng, dù có chăm chỉ làm lụng đến mấy, họ cũng không thể có cuộc sống khá giả vì quanh năm lo dựng lại nhà. Nhà làm bằng cây tre, nứa và lợp lá rừng nên không vững, một trận gió to hay mưa lớn có thể đổ sập. Những ngày giá rét, người già, con trẻ không chịu được cái lạnh thấu xương nên nguy cơ tử vong cao. Người sống tiếc thương người mất, tiếng khóc ai oán khắp những bìa rừng.

    “Ở vùng cao này, nếu không biết cách giữ ấm thì khó tồn tại. Chúng tôi không chỉ chăm lo cuộc sống cho mình mà ngay cả gia súc, gia cầm cũng cần được bảo vệ. Nếu chúng chết, chúng tôi cũng trở nên nghèo đói”, A Hờ nói.

    Rồi anh kể tiếp, nhân lúc dân bản gặp chuyện chẳng lành, bọn thổ phỉ ở những vùng xa đã lợi dụng đến cướp của, dùng đá bắn sập hàng loạt nhà cửa. Cuộc sống đã khó khăn càng thêm bi thương. Điều đó đã khiến Giàng (trời) mủi lòng. Giàng sai vị thần mang tên Hồng Ngài xuống hướng dẫn người Mông cách làm nhà kiểu mới để tránh thổ phỉ bắn, cướp, tránh rét mùa đông và như một chiếc điều hòa mát lạnh vào những ngày hè oi bức. Kể từ đó, nhà trình tường ra đời.

    “Bởi Giàng thương nên chỉ cho chúng tôi cách làm nhà từ những vật liệu đơn giản nhất, có sẵn là đá và đất núi. Chỉ với hai thứ ấy và sức lực của mình, người Mông có thể tự làm một ngôi nhà ấm cúng. Nhà vừa để ở, vừa có ngăn để nuôi gia súc gia cầm, không lo vật nuôi trong nhà bị chết. Tôi đã biết đến kỹ thuật làm nhà trình tường từ ngày còn rất nhỏ. Trẻ con ở đây đa phần đều biết qua những câu chuyện mà cha mẹ kể trong bữa cơm hàng ngày. Do mang ơn Giàng nên nhà trình tường của người dân bản Hồng Ngài là đẹp và chắc chắn nhất ở Y Tý”, A Hờ vui vẻ cho biết.

    Nơi gửi gắm yêu thương

    Trong ngôi nhà trình tường ở độcao hơn 1.500m so với mặt nước biển, câu chuyện của người Mông đã giúp chúng tôi có được những kiến thức đặc biệt. Giọng A Hờ lúc sang sảng, khi chỉ thì thào để người bên cạnh phải lắng tai nghe mới rõ. Có lẽ điều đấy càng khiến những câu chuyện trở nên huyền bí hơn.

    Không phải cứ điều hòa nhiệt độ, quạt sưởi mới thụ hưởng được mùa đông ấm áp. Người Mông chọn những viên đá thật khỏe trên núi cao làm móng, giã thật kỹ đất để trình tường cho ngôi nhà có khả năng giữ ấm tốt nhất. So với nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà trình tường của người Mông có phần thô ráp hơn.

    Với người Mông, căn nhà rất quan trọng, là nơi để tìm về. (Ảnh: Dương Thu)

    Theo quan sát của chúng tôi, những ngôi nhà trình tường của người Mông thường có hình chữ nhật. Nhờ Chương trình 135 của Chính phủ, nhiều ngôi nhà trình tường ở Y Tý đã được lợp mái tôn chắc chắn, thay vì mái lá như trước đây.

    Theo lời A Hờ, thông thường xây nhà ở đâu sẽ lấy đất và đá ở đó để làm. Nhưng đá làm móng phải chọn những hòn lấp sâu trong lòng đất, rắn chắc và còn dính đất mới đảm bảo. Nếu không phải là người dân tộc Mông, không quen với kỹ thuật trình tường, có khi lấy 100 hòn đá mà không dùng được hòn nào. Đất trình tường cũng vậy, là đất ở gần nhà, nhưng chất đất núi keo dính. Cũng chỉ người Mông mới nhìn được thứ đất tốt nhất để làm nhà trình tường.

    Nhà trình tường được làm theo kỹ thuật rất riêng. Loại đất núi được chọn là đất có độ kết dính rất cao. Đất được giã nhuyễn trước khi làm nhà. Ngay cả với những hòn đá dùng cho móng cũng được lựa chọn rất kỹ lưỡng, có khi hàng năm trời. Bất cứ đi đâu, làm gì, thấy đá chắc, đẹp, khuôn dáng phù hợp là người dân có thể mang về tích trữ sẵn để làm nhà.

    Nhà trình tường của dân tộc nào cũng có chung một đặc điểm, ấy là sự cầu kỳ, là tất cả những yêu thương của đồng bào gửi gắm trong đó. “Người Mông quan niệm, nhà là nơi để tìm về. Đã không còn cái thời du canh du cư trên khắp các triền núi, sống với những nương ngô, sắn theo mùa vụ. Từ lâu, người Mông đã luôn mong muốn an cư lạc nghiệp, định canh định cư để cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bởi thế, một ngôi nhà vững chắc, ấm cúng là điều được đặc biệt chú trọng”, A Hờ chia sẻ.

    Cũng bởi ý nghĩa đặc biệt của mái ấm gia đình, người Mông rất chú trọng chuyện nhà cửa. Trước khi làm nhà trình tường, người đàn ông trong gia đình sẽ xem xét rất kỹ về ngày giờ, địa thế. Đất chọn xây nhà phải tránh những chỗ sạt lở để làm nhà kiên cố, ổn định. Để nhà bền vững theo thời gian, trước khi làm nhà sẽ có lễ cúng Giàng. Những vật cúng lễ đều từ bàn tay mình làm ra, nuôi chăm. Họ quan niệm, với lòng thành, gia đình sẽ luôn hạnh phúc, ấm cúng, thọ đến đầu bạc răng long.

    Những ngôi nhà “trơ gan cùng tuế nguyệt”, dù đạn bắn cũng khó thủng, trâu bò, vật nuôi húc không thể lung lay. Đó là một trong những điều làm nên nét độc đáo của những ngôi nhà trình tường. Người Mông đã làm nên những ngôi nhà tuyệt vời, giữ ấm vào mùa đông, hạ nhiệt vào mùa hè. Những ngôi nhà ấy giúp họ vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian, trường tồn cùng trời đất.

    Dương Thu

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuyet-chieu-lam-nha-dieu-hoa-dan-ban-khong-thung-cua-nguoi-mong-mien-bien-vien-a187227.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ngôi nhà kỳ lạ nhất giữa lòng Châu Âu

    Ngôi nhà kỳ lạ nhất giữa lòng Châu Âu

    Xưa nay nói đến nhà ở chật hẹp người ta thường nghĩ tới những TP ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… Nhưng ngôi nhà hẹp nhất thế giới lại nằm giữa lòng châu Âu.