Mùa đông ở miền Bắc, đặc biệt là cái lạnh “cắt da cắt thịt” chính là thời điểm những cơn đau nhức xương khớp “ghé thăm”. Kết quả một cuộc thăm dò đối với 1.000 người cao tuổi cho thấy có 8/10 người bị đau nhức xương khớp khi thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt. Lý do nào khiến tình trạng này diễn ra năm này qua năm khác và cách phòng tránh là gì? TTƯT.Ths.Bs. Nguyễn Thị Hằng (Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh - Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam) sẽ giải đáp ngay sau đây.
Tại sao đau nhức xương khớp “đồng hành” cùng mùa lạnh?
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh khớp cao của khu vực và thế giới với các chứng bệnh phổ biến là viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp... Khoảng 2/3 số người mắc bệnh xương khớp phải đối mặt với những cơn đau khớp vào mùa lạnh. Đi kèm với đó là các triệu chứng như: khớp kêu lục cục, cứng khớp vào buổi sáng, sưng khớp, vận động khó khăn.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, TTƯT.Ths.Bs. Nguyễn Thị Hằng (Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh - Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam) cho biết theo y học cổ truyền, khi trời lạnh, phong (gió), thấp (ẩm) xâm nhập vào cơ thể qua huyệt vị rồi lưu lại ở các khớp xương gây đau. Còn theo y học hiện đại, áp suất khí quyển thấp khiến mô nở ra làm tăng áp lực lên xương khớp. Nhiệt độ giảm cũng khiến gân và cơ co lại, dịch khớp đặc hơn, dây thần kinh trở nên nhạy cảm hơn làm mức độ đau tăng lên.
Một trong những lý do khác khiến mùa đông trở thành tác nhân làm bùng phát các cơn đau nhức xương khớp là do sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, nhất là đối với người cao tuổi. Ngoài ra, việc lười vận động vào mùa đông cũng khiến máu lưu thông kém, xương khớp mất đi độ linh hoạt.
Thông tin chi tiết về nguyên nhân khiến nhiều người phải “đối mặt” với chứng đau nhức xương khớp mùa lạnh có tại video https://www.youtube.com/watch?v=YJSnZwgB9BU
Làm gì để đau nhức xương khớp không “ghé thăm” vào mùa lạnh?
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, có một vài biện pháp giúp ngăn ngừa đau nhức xương khớp khi trời lạnh mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng. Trước hết là cần giữ ấm cơ thể bằng cách mặc quần áo nhiều lớp, đội mũ, đi tất, đeo găng tay, bịt khẩu trang. Và đừng quên giữ ấm cơ thể ngay cả khi ở trong nhà và vào ban đêm bởi khi nhiệt độ ngoài trời giảm xuống dưới 10 độ C thì trong nhà cũng chỉ còn khoảng 16 - 19 độ C nếu không dùng các thiết bị sưởi ấm.
Để thúc đẩy lưu thông máu, tăng nhiệt cho cơ thể, bạn có thể xoa bóp các khớp xương bằng dầu massage, ngâm chân bằng nước nóng, tắm nước ấm từ 30 - 40 độ C. Nhưng lưu ý là không nên tắm vào buổi sáng hoặc tối muộn. Người lớn tuổi cần tắm vào thời điểm ấm nhất trong ngày (thường là 2 - 3 giờ chiều) và thời gian tắm không quá 10 phút.
Chú ý tới thực đơn hàng ngày cũng là cách để tạo lập một nền tảng cơ thể khỏe mạnh giúp chống lại mọi tác nhân gây bệnh. Bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu omega-3, canxi, vitamin C, D như: cá, trứng, sữa, các loại rau màu xanh đậm, trái cây mọng nước… Uống đủ nước cũng giúp máu lưu thông dễ dàng trong cơ thể, dịch khớp lỏng hơn giúp khớp trơn tru hơn. Song song với đó cần tránh rượu, bia, nội tạng động vật, thức ăn nhiều dầu mỡ.
Tập thể dục đều đặn cũng là một gợi ý cho bạn. Hãy lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức. Tránh tập ngoài trời vào những ngày trời quá lạnh, có mưa, nhiều gió. Trong sinh hoạt cần hạn chế mang vác nặng để tránh chấn thương. Không bẻ, vặn khớp quá nhiều vì thói quen tai hại này có thể gây tổn thương khớp.
TTƯT.Ths.Bs. Nguyễn Thị Hằng đặc biệt lưu ý tới việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh. Bởi thông thường nhiều người chỉ đi khám khi tình trạng bệnh đã trở nặng, dẫn tới quá trình phục hồi lâu hơn, tốn kém hơn. Do đó, ngay khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường, bạn cần tới ngay các cơ sở y tế để không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị./.
Đặt mua tại: https://tambinh.vn/ |
Thanh Vy