+Aa-
    Zalo

    “Tuyệt chiêu” chữa bệnh xương khớp của vị lương y Sài Gòn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bị thương nặng khi tham gia quân ngũ ở Campuchia, ông được một nhà sư tận tình cứu chữa và truyền một số bài thuốc vời lời dặn: “Con hãy hành đạo cứu người”.

    (ĐSPL) - Trong thời gian tham gia quân ngũ, đóng quân ở chiến trường Campuchia, vị lương y này đã bị thương nặng. Ông được một nhà sư tận tình cứu chữa và truyền cho một số bài thuốc vời lời dặn: “Con hãy hành đạo cứu người”.

    Nhớ lời thầy dặn dò, 30 năm kể từ ngày xuất ngũ, ông đã toàn tâm thực hiện ý nguyện của “vị ân nhân” năm xưa. Tiếng lành đồn xa, danh tính “lương y của người nghèo” bay đi khắp nơi. Vì thế, hàng ngày, nườm nượp người bị các bệnh xương khớp tìm đến thầy để được chữa trị. Thế nhưng khi được hỏi về công việc mình đang làm, thầy chỉ trả lời một cách ngắn gọn và chất chứa tâm tư: “Mình nhận được thì mình phải có trách nhiệm cho đi thôi”.

    Học nghề thuốc như một cơ duyên

    Tìm về nhà lương y này vào một buổi chiều muộn, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng vì lượng người đến chữa bệnh với “thầy” còn phải xếp hàng nhiều vô kể. Dù không có số thứ tự, nhưng những người đến đây đều trật tự xếp hàng để chờ tới lượt mình. Trong căn nhà cấp 4, vị lương y này vẫn miệt mài điều trị cho những người khác, với đôi tay không ngừng nghỉ và sự tập trung cao độ.

    “Thầy ấy giản dị nhưng cái tâm thật bao dung.Bao nhiêu người đến chữa bệnh đều cảm nhận được điều đó vì sự nhiệt tình trong công việc và quảng đại trong tinh thần giúp đỡ của thầy. Những người nghèo, những hoàn cảnh neo đơn không nơi nương tựa không bao giờ thầy nhận tiền, thầy còn giúp đỡ họ nữa. Bởi thế, họ đến với thầy ngày một nhiều hơn”, chị Phạm Thị Lan (44 tuổi, ngụ Biên Hòa – Đồng Nai, một bệnh nhân) ghé tai chia sẻ.

    Vị lương y chúng tôi đề cập tới trong câu chuyện trên là thầy Võ Văn Tâm (54 tuổi, ngụ ấp Trung Đông 2, xã Tam Thới Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Ngoài biệt danh “lương y của người nghèo”, thầy còn được mọi người gọi bằng một cái tên thân thiện khác là thầy Hai “hón”. Cái tên chẳng biết từ đâu mà ra nhưng thầy bảo “nghe quen rồi” và thầy rất thích cái tên đó.

    Tuyệt chiêu chữa xương khớp của vị lương y đã từng là quân nhân. Ảnh minh họa. 

    Thầy Tâm sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 7 anh em. Sinh ra trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh loạn lạc nên đến tuổi chàng trai nhỏ thó Võ Văn Tâm đã nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia giúp nước bạn đánh đổ chế độ Pol Pot. Thế nhưng, không may cho thầy Tâm, 18 tuổi nhập ngũ thì một năm sau, thầy trúng đạn và phải nằm nhà thương một thời gian dài.

    Những ngày bị thương nằm rừng ở chiến trường Tây Nam, hơn lúc nào hết người thương binh mới thấu hiểu hết sự khổ sở của bệnh tật. “Tôi bị dính đạn và trên mặt chi chít sẹo. Thế nhưng, những vết sẹo trên mặt tôi cũng lành, còn đôi chân bị dính đạn của tôi ngày một thối rữa ra, không biết phải làm sao để chữa trị cả. Thuốc thang ở nơi “rừng thiêng nước độc” đó thì rất thiếu thốn và khan hiếm”, thầy Tâm chia sẻ về những ngày nằm vật vã trong đau đớn.

    Những tưởng rằng cái chân của mình sẽ bị tự hoại dần vì vết thương trúng đạn, thầy Tâm nằm thất vọng trong lán trại của mình, và tại đây thầy Tâm bất ngờ gặp được vị sư già người Khmer đáng kính. “Trong họa có phúc”, trong mấy tháng liền, vị sư thầy này đã tận tình bốc thuốc chữa bệnh cho người thương binh đang nhiệt huyết ấy. May mắn thay, đôi chân thương tật của thầy Tâm đã lành lặn và có thể đi lại bình thường. Sau thời gian điều trị với vị sư già, cảm kích vì sự nhiệt huyết và vô ưu của người thầy tu hành, thầy Tâm có mong muốn theo thầy học một vài bài thuốc để chữa bệnh cho những người đồng đội của mình.

    Thấy cậu thanh niên thương binh này có tâm của một người có thể truyền nghề, vị sư già đã không ngần ngại chỉ cho anh những “bí kíp” mà ông đã ra sức tìm tòi, nghiên cứu bấy lâu nay. Từ ngày đó, thầy Tâm ngày ngày theo vị sư già leo rừng vượt suối “tầm thuốc cứu người”.

    Trở lại đơn vị sau những ngày trị bệnh, anh thương binh Võ Văn Tâm trở thành một chiến sĩ – lương y, có thể trị bệnh xương khớp cho những đồng đội bị trúng đạn. “Đó là những ngày đầu tập hành nghề và tôi thật sự thấy hạnh phúc, vì những điều mình học được đã có thể có ích cho nhiều người, nhất là những đồng đội cũng bị thương như tôi”, thầy Tâm tâm sự về thời gian bắt đầu “nghiệp” hành đạo giúp đời của mình.

    “Cho đi là còn mãi”

    Ba năm làm việc trong quân ngũ, năm 1984, người thương binh 4/4 này xuất ngũ. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, thầy Tâm xắn tay áo với công việc đồng áng ở vùng quyê Hóc Môn nằm ở ngoại thành Sài Gòn. Cùng với đó, thầy Tâm tiếp tục hành nghề bốc thuốc trị bệnh như tâm nguyện của vị sư già.

    Và hơn ai hết, xuất thân trong cảnh nghèo nên thầy Tâm hiểu được sự cơ cực của những người nghèo, nhất là những người nghèo còn mang trong mình bệnh. Thầy ưu tư về họ. Cái cảnh cơm chưa đủ no mà phải chạy đây đó vay mượn để có tiền trang trải viện phí ám ảnh những người sinh ra trong cảnh nghèo như thầy. “Có nhiều người ham sống lắm, nhưng họ đành chấp nhận không chữa trị, ra đi để họ không mang nợ nần cho người thân, gia đình. Có nhiều người chấp nhận chịu đựng những cơn đau về với ông bà tổ tiên, vì nếu trị bệnh, họ phải tốn rất nhiều tiền, những khoản tiền mà cả đời họ cũng không thể kiếm ra. Bởi thế, họ đành nằm chờ chết và chấp nhận số phận”, thầy Tâm tâm sự về những mảnh đời thương tâm mà mình đã gặp.

    Thế nhưng, ban đầu mọi người trong thôn ấp còn hết sức ngỡ ngàng và chưa tin lắm, bởi, từ thanh niên non nớt, sau ba năm quân ngũ, nay bỗng dưng trở thành “ông thầy” hành nghề bốc thuốc. Nhưng rồi thực tế đã chứng minh tất cả. Khi mới hành nghề, chỉ lác đác vài người tìm đến. Rồi “tiếng lành đồn xa”, những người tìm đến với thầy Tâm ngày một đông hơn. Thấy người lương y này có tâm huyết và chữa bệnh cứu người một cách “vô tư” không mảy may đến vấn đề kinh tế, nhất là đối với những người nghèo, một vị sư khác ở quận Thủ Đức (TP.HCM) đã chỉ cho thầy Tâm nhiều bài thuốc khác liên quan đến thần kinh đề thầy có cơ hội giúp đỡ nhiều người nghèo hơn.

    Cảm kích về những tấm lòng và “nhân duyên” của những bậc nhà sư tiền bối, thầy Tâm Hai “hón” càng đẩy mạnh hoạt động chữa bệnh từ thiện của mình. Những người đến với thầy ngày một đông. “Có những ngày chồng tôi chữa bệnh cho tới 80 – 90 người. Có người ở Sài Gòn, Tây Ninh hay những người tỉnh lân cận, còn những người lại từ miền Trung xa xôi, nghe tiếng cũng đón xe, đùm vắt quần áo đi vào chữa bệnh”, bà Bùi Thị Phải, vợ thầy Tâm chia sẻ.

    Từ năm 1984 đến nay, hơn 30 năm chữa bệnh, số người thầy Tâm chữa khỏi đã tính đến hàng ngàn. Những người đến với thầy được chữa bệnh với giá rất rẻ và cung cách phục vụ tận tâm, nhiệt huyết nên họ cảm thấy thoải mái. Anh Nguyễn Trung Đức (ngụ Q.5, TP.HCM) tâm sự: “Tôi bị đau khớp trị hết nơi này đến nơi khác vẫn không khỏi. Một lần nhậu, nghe một người bạn mách thầy Tâm điều trị về xương khớp rất tốt nên tôi tìm đến đây và được thầy điều trị hai tháng nay. Bây giờ bệnh tình của tôi đã giảm được gần 90\% rồi”.

    Điều là từng khiến nhiều người ngỡ ngàng là thầy Tâm không hề “đặt giá” cho bất kì bệnh nhân nào. Những người có kinh tế khá giả có thể tài trợ ít nhiều, còn những người nghèo thầy tuyệt nhiên không lấy tiền, còn cho họ tiền ăn uống, ngủ nghỉ nữa. “Tôi chưa thấy một ai đức độ, tận tâm như thầy. Ngày nay, không còn nhiều người có cái “tâm Phật” như vậy nữa đâu”, chị Trần Thị Hoài, một bệnh nhân khác tâm sự. Chị Hoài cho biết thêm: “Ngày Rằm và mùng Một hàng tháng thầy Tâm sẽ điều trị hoàn toàn miễn phí đấy”.

    Nói về những việc làm này của mình, thầy Tâm chỉ mỉm cười: “Ngày trước tôi được cứu và được truyền nghề không phải để làm giàu, để sinh lãi mà để cứu người, giúp đời. Tôi đã nhận không thì cũng sẽ cho không. Tôi nghĩ đó cũng là điều phải làm thôi. Bởi vì cho đi còn là mãi mãi. Những việc làm của tôi đã thấm tháp vào đâu, bởi, những mảnh đời cô quạnh, bệnh tật còn nhiều lắm”.

    Chia tay thầy về khi trời đã nhá nhem tối và những người chờ để thầy điều trị còn xếp hàng dài, rôm rả nói chuyện với nhau, trong khi thầy Tâm vẫn miệt mài với công việc đã gắn bó với mình suốt 30 năm nay.

    THÀNH GIÁP

    Bài đã đăng trên báo Pháp luật và Cuộc sống – chuyên trang của báo Đời sống và Pháp luật

    Xem thêm Video: Nỗ lực cứu chữa nạn nhân sập giàn giáo ở Formosa


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuyet-chieu-chua-benh-xuong-khop-cua-vi-luong-y-sai-gon-a92419.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan