+Aa-
    Zalo

    “Tuyến xe buýt xin chào, xin phép, xin cảm ơn..." được ra quân tại TP. HCM

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ngày 9/10, Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng ra quân thực hiện chiến dịch “Tuyến xe buýt thân thiện, an toàn”

    (ĐSPL) - Ngày 9/10, Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng ra quân thực hiện chiến dịch “Tuyến xe buýt thân thiện, an toàn” theo tiêu chí “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ).

    Tin tức từ TTXVN, nhân viên của Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng và hợp tác xã vận tải sẽ tham gia trên mỗi tuyến xe buýt để ghi nhận, đánh giá chất lượng phục vụ của nhân viên và tài xế; từ đó tạo ý thức chấp hành cũng như thái độ phục vụ thân thiện của đội ngũ nhân viên xe buýt với hành khách.

    Cũng tại lễ ra quân, các đoàn viên thanh niên hợp tác xã kinh doanh vận tải tiến hành quét dọn, xóa các quảng cáo sai quy định đảm bảo vệ sinh sạch đẹp, thay mới thông tin 11 nhà chờ xe buýt trên các trụ dừng nhà chờ tại tuyến đường Lý Thường Kiệt (quận 10), Nguyễn Văn Cừ (quận 1, quận 5), Trần Hưng Đạo (quận 1), Lê Thánh Tôn (quận 1), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3).

    Với nhiệm vụ trung tâm lấy người dân phục vụ, chiến dịch 'Tuyến xe buýt thân thiện, an toàn' là bước đầu trong quá trình đổi mới. (Ảnh: TTXVN)

    Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết bình quân mỗi ngày, hệ thống các tuyến xe buýt của thành phố vận chuyển 1 triệu lượt khách, đáp ứng phần nào nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, hiện nay đa số phương tiện xe buýt đã xuống cấp, cơ sở hạ tầng thiếu bến bãi, nhất là đầu bến cuối bến, nhà chờ; chất lượng phục vụ của tài xế, nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu, làm giảm lượng hành khách đi lại.

    “Với nhiệm vụ trung tâm lấy người dân phục vụ, chiến dịch 'Tuyến xe buýt thân thiện, an toàn' là bước đầu trong quá trình đổi mới, cải thiện cung cách phục vụ của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, áp dụng thí điểm cho 10 tuyến, để đến năm 2016 triển khai trên toàn bộ các tuyến,” ông Bùi Xuân Cường cho biết.

    Liên quan đến vấn đề xe buýt, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa phê duyệt dự án đầu tư hệ thống vé điện tử xe buýt thông minh với tổng vốn đầu tư gần 263 tỷ đồng và hơn 321 tỷ đồng chi phí quản lý vận hành trong 10 năm.

    Dự án nhằm nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong công tác điều hành mạng lưới xe buýt công cộng như thu thập đầy đủ, chính xác thông tin về nhu cầu đi lại của người dân phục vụ công tác quản lý, phân tích, quy hoạch mạng lưới tuyến; kiểm soát công tác trợ giá hiệu quả; xây dựng hình ảnh văn minh, hiện đại về dịch vụ vận tải hành khách cộng cộng.

    Bên cạnh đó, tạo sự tiện lợi cho hành khách khi thanh toán thông qua việc sử dụng một thẻ vé điện tử duy nhất khi sử dụng xe buýt công cộng; tiết kiệm thời gian xếp hàng mua vé, kiểm soát vé, dễ dàng nạp giá trị thanh toán vào thẻ từ các kênh thanh toán điện tử. Dự án cũng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trong quản lý, kiểm soát vé, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

    Báo Chính phủ đưa tin, theo Sở Giao thông Vận tải thành phố, tính đến ngày 31/12/2014, TP Hồ Chí Minh có 2.797 xe buýt với hơn 130 tuyến, giảm 74 xe so với cuối năm 2013. Vận tải hành khách bằng xe buýt cả năm 2015 ước đạt khoảng 367,7 triệu lượt, thấp hơn năm 2012 (413 triệu lượt) và năm 2013 (411 triệu lượt); tiền trợ giá xe buýt liên tục giảm, từ 1.422 tỷ đồng trong năm 2011 và đến năm 2015 chỉ còn 1.180 tỷ đồng.

    Dự án “Phát triển giao thông xanh TP.HCM” là một trong những dự án trọng điểm về giao thông công cộng của Thành phố. (Ảnh: VietNamNet)

    Trước đó, hồi tháng 8/2015, ban Quản lý Đầu tư Công trình Giao thông Đô thị TP.HCM (UCCI) cũng đã giới thiệu Dự án Phát triển Giao thông xanh và ra mắt hệ thống nhận diện thương hiệu cho hệ thống Xe buýt nhanh với tên gọi “Saigon BRT”, VietNamNet đưa tin.

    Dự án “Phát triển giao thông xanh TP.HCM” là một trong những dự án trọng điểm về giao thông công cộng của Thành phố, có tổng vốn đầu tư 137.5 triệu USD (trong đó 124 triệu USD sử dụng vốn vay ODA ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và 13,5 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng của thành phố) với nhiệm vụ chính là xây dựng tuyến Xe Buýt Nhanh BRT số 1 với tổng chiều dài 23km, trên đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ.

    Với mục tiêu chính là phát triển mạng lưới giao thông, tạo không gian xanh, các tiện ích công cộng, giảm áp lực giao thông và chi phí đi lại cho những người dân địa phương, tạo nền tảng để phát triển kinh tế xã hội, nội dung của dự án bao gồm các hoạt động: xây dựng hạ tầng kỹ thuật để vận hành BRT, xây dựng các trạm dừng, nhà ga, cầu đi bộ và không gian công cộng như công viên, cây xanh, cảnh quan trên hành lang Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ.

    Đức An (Tổng hợp)

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]SUlaIpFdKI[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuyen-xe-buyt-xin-chao-xin-phep-xin-cam-on-duoc-ra-quan-tai-tp-hcm-a114234.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.