+Aa-
    Zalo

    Tướng Vĩnh chia sẻ thông tin mới vụ thảm sát ở Bình Phước

    • DSPL

    (ĐS&PL) - "Vụ thảm án đã tạo ra sự trăn trở, áp lực rất lớn đối với lực lượng Công an. Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình làm sao chỉ huy chỉ đạo, huy động sức mạnh, tổ chức

    "Vụ thảm án đã tạo ra sự trăn trở, áp lực rất lớn đối với lực lượng Công an. Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình làm sao chỉ huy chỉ đạo, huy động sức mạnh, tổ chức điều tra sớm nhất, tốt nhất, khám phá vụ án, trả được món nợ với nhân dân...'" - Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng Ban chuyên án chia sẻ...

     Đây không phải là chiến công mà là hoàn thành trách nhiệm

    Chiều 13/7, sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi đã gặp được Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng Ban chuyên án để được ông chia sẻ những thông tin, sự trải lòng của người chỉ huy trong việc chỉ đạo điều tra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vụ thảm sát ở Bình Phước.

    Tại buổi gặp, vị Tư lệnh Cảnh sát cho biết, hai vụ án lớn nhất và đem lại nhiều bức xúc nhất, lo lắng nhất cho bản thân ông và các đồng nghiệp là vụ án Lê Văn Luyện và vụ án này. Nó tác động ngay vào tâm tư tình cảm, lo nghĩ của quần chúng, các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên đưa, nên tạo ra sự trăn trở, áp lực rất lớn đối với lực lượng Công an…

    Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường vụ thảm án. Ảnh: Phú Lữ

    Bộ trưởng, Đại tướng Trần Đại Quang cũng đã đến chia buồn với gia đình nạn nhân, làm việc với tỉnh uỷ Bình Phước, động viên cán bộ chiến sỹ tham gia điều tra chuyên án. Đồng chí Bộ trưởng đã chỉ đạo tập trung các lực lượng tinh nhuệ nhất, sử dụng tổng hợp các biện pháp, các nguồn lực, phát động phong trào quần chúng để phá án. Đây là một mệnh lệnh của người lãnh đạo cao nhất, là lời hứa trước Đảng, trước nhân dân của lực lượng Công an. “Có thể nói, khi lực lượng Công an đứng trước thách thức lớn mà Bộ trưởng có mệnh lệnh như vậy thì chúng tôi sẵn sàng xung trận. Nhưng nói thật là tâm trạng của tôi rất lo lắng và xót xa. Thấy trách nhiệm của mình làm sao chỉ huy chỉ đạo, huy động sức mạnh tổ chức điều tra sớm nhất, tốt nhất, khám phá vụ án, trả được món nợ với nhân dân” – Trung tướng Phan Văn Vĩnh nhấn mạnh.

    Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng ban chuyên án chia sẻ những bí quyết khám phá thành công vụ thảm án ở Bình Phước.

    Theo Trung tướng Phan Vĩnh, khám phá thành công vụ án này là trách nhiệm của lực lượng Công an, trong đó có lực lượng CSND. Điều mà vị Tư lệnh Cảnh sát mong muốn là không có vụ án xảy ra, chỉ có nụ cười, niềm hạnh phúc của người dân, còn nếu một khi vụ án đã xảy ra thì phải quyết tâm tìm ra thủ phạm. Và theo ông, hiện tại “món nợ” ông và các đồng đội, đồng nghiệp, CBCS đã trả được nhưng tâm trạng vẫn canh cánh nỗi buồn vì hậu quả nặng nề quá.

    “Đây không phải là chiến công mà là hoàn thành trách nhiệm. Nhưng đây chỉ là hoàn thành một nửa, niềm vui không trọn vì hương khói vẫn còn, đau đớn vẫn hiện hữu vì gia tộc họ chỉ còn một cháu bé…” – đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chia sẻ.

    Huy động 14 đơn vị nghiệp vụ của Bộ và Công an 10 tỉnh, thành tham gia

    Về những khó khăn, phức tạp trong công tác điều tra, Trung tướng Phan Vĩnh khẳng định, không có vụ án nào dễ cả, vì tội phạm muốn gây ra vụ án thì không hà cớ gì tự tra tay vào còng hay báo cho cơ quan Công an, mà dùng mọi phương thức thủ đoạn che giấu hành vi của mình, chuẩn bị kỹ lưỡng để né tránh sự phát hiện của CQĐT.

    Trân trọng ý kiến của một Thượng sỹ

    Tối 8/7, Ban chuyên án đã tổ chức họp tất cả các thành viên tham gia điều tra vụ án, cuộc họp kéo dài đến 2h sáng 9/7 với sự đóng góp trí tuệ của nhiều đồng chí tướng lĩnh, cán bộ chiến sỹ… Ngay cả ý kiến phát biểu của một Thượng sỹ, nói về tâm lý giới trẻ hiện nay, khi mâu thuẫn tình ái thì rất có thể sát hại cả một gia đình… cũng được Ban chuyên án rất trân trọng… Cuối cùng Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã chốt lại, Ban chuyên án phải thực hiện một cuộc điều tra toàn diện và có trọng tâm trọng điểm. Vỹ là đối tượng khác biệt, gây sự chú ý đầu tiên của Ban chuyên án…

    Khó khăn thứ hai là vụ án đem đến tâm lý hết sức lo ngại của quần chúng nhân dân. Thứ ba, trong những vụ án thảm khốc như này, thường do thương tiếc nên những người quen biết gia chủ thường làm xáo trộn hiện trường, xô đẩy vào hiện trường để cấp cứu nạn nhân, chia sẻ với gia đình… Sự tò mò của quần chúng cũng làm cho hoạt động của CQĐT bị hạn chế.

    Trước tình hình đó, Ban chuyên án xác định phải huy động sức mạnh và trí tuệ của toàn lực lượng, phải hết sức khẩn trương để có những quyết định chính xác ngay từ ban đầu.

    Ban chuyên án quyết định thành lập 6 tổ công tác đặc nhiệm. Các đồng chí của 14 đơn vị nghiệp vụ chuyên môn được huy động. Đặc biệt, các đồng chí chỉ huy cao nhất, có nhiều kinh nghiệm của lực lượng Cảnh sát như: Trung tướng Triệu Văn Đạt, Phó Tổng cục trưởng; Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng; Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự; Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT… đều có mặt từ rất sớm, Đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước được đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cho dừng mọi cuộc họp để tham gia vào ban chuyên án, duy nhất 1 bộ quần áo cảnh phục liên tiếp trong 3 ngày…

    10 đồng chí Giám đốc Công an các tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng, Gia Lai, TP.HCM…, các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện của Công an tỉnh Bình Phước cũng được triệu tập đến hiện trường, cùng tham gia trao đổi, nhận định và triển khai lực lượng điều tra. “Làm sao lưới trời căng ra để tất cả các tỉnh, thành phố cùng với đội quân chuyên nghiệp, thiện chiến sớm điều tra ra thủ phạm” – Trung tướng Phan Văn Vĩnh cho biết. 

    Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH và các cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường vụ thảm án.

    Ban chuyên án đã nhận được hàng ngàn tin nhắn từ quần chúng

    Khẳng định muốn đánh gục tội phạm phải bằng những căn cứ có giá trị pháp lý, pháp luật, Trung tướng Phan Văn Vĩnh cho rằng, bài học lớn nhất là phải dựa vào sức mạnh quần chúng nhân dân.

    Ông cho biết, trong số hàng nghìn nguồn tin báo của quần chúng, có những tin báo của quần chúng nhân dân tốt, các chủ quán, chủ tiệm ở TP.HCM, người ở nước ngoài… thậm chí là đối tượng từng có tiền sự. “Có những tin nhắn phân tích, nhận định khá đầy đủ, có tin nhắn chỉ nêu quan điểm cá nhân, nhưng dù ít hay nhiều chúng tôi đều trân trọng. Chúng tôi xác định đây là nguồn tài liệu quý, phải được trân trọng, lắng nghe, trên cơ sở đó đánh giá, phân tích, nhận định… để có thêm tư duy phá án…”.

    Bài học thứ 2 là sự chỉ đạo hết sức sát sao, toàn diện của lãnh đạo Bộ Công an, mà đặc biệt là đồng chí Bộ Trưởng Trần Đại Quang, Thứ trưởng Lê Quý Vương. Hàng giờ Ban chuyên án đều có sự liên lạc, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo, các CBCS tham gia phá án…

    Bài học thứ 3 là sự tận tâm, tận lực, tận tuỵ, hy sinh, sự vận dụng, chắt chiu từng tý chút thông tin để dựng khung, dựng hình vụ án của hàng nghìn CBCS được đưa vào trận đánh. Tất cả đều đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn tập trung tối thượng việc thu thập tin tức. Có những đồng chí tận tuỵ công việc trong phòng tối nghiên cứu chứng cứ, có những đồng chí tận tuỵ ngoài hiện trường, nắng mưa, xa vợ xa con, rong ruổi khắp mảnh đất của Chơn Thành, Bình Phước, TP.HCM…

    Và đến 15h chiều 10/7, vụ án đã được khám phá, các đối tượng bị bắt giữ, lực lượng Công an đã hoàn thành nhiệm vụ bước đầu, sau đó sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, sớm đưa vụ án ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật…

    Theo báo Công an Nhân dân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuong-vinh-chia-se-thong-tin-moi-vu-tham-sat-o-binh-phuoc-a101921.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.