Ngoại giao đa phương đã trở thành vũ khí hữu hiệu của các nước “vừa và nhỏ” như Việt Nam.
Lịch sử nhà nước công nông Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến nay cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của đối ngoại đa phương đối với sự tồn vong và phát triển của chế độ.
Vì nhiều lý do khác nhau, nhà nước của chúng ta đã bị bao vây cô lập trong một thời gian không phải là ít, trong giai đoạn 1945-1950 (thời kháng chiến chống Pháp) và giai đoạn từ 1979 đến đầu những năm 1990.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (thứ 5 từ trái sang) trong "vòng vây" của các tướng tá phương Tây trong giai đoạn đầu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ (Ảnh tư liệu). |
Nói như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, chính thông qua các tổ chức đa phương mà Việt Nam đã “lách” được để thoát dần ra khỏi thế bao vây cô lập của các thế lực thù địch trong các giai đoạn đó.
Trong giai đoạn đẩy mạnh Đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, trước các thách thức mới về an ninh lãnh thổ, ngoại giao đa phương càng chứng tỏ vai trò vị thế của mình, trong bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của dân tộc.
Có một thực tế là một số nước lớn thường gây sức ép với các nước nhỏ hơn. Và trước tình cảnh đó, cái hay của các diễn đàn đa phương là tạo ra sự bình đẳng giữa các nước bất kể lớn nhỏ, đồng thời giúp các nước vừa và nhỏ đồng cảnh ngộ liên kết với nhau để bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình trước các hành động cường quyền, đơn phương. Các cơ chế đa phương đã góp phần vào việc dân chủ hóa đời sống chính trị thế giới, tạo tiếng nói lớn hơn cho các nước vừa và nhỏ.
Trong khuôn khổ Hội nghị về Đối ngoại Đa phương Thế kỷ 21 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã thuyết trình về “Cách tiếp cận mới trong hợp tác quốc tế về an ninh – quốc phòng”, trong đó ông khẳng định tầm quan trọng của ngoại giao đa phương trong lĩnh vực quốc phòng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (Ảnh: Tuổi Trẻ). |
Ông Nguyễn Chí Vịnh nói, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, công cụ ngoại giao là quan trọng hàng đầu (so với các công cụ kinh tế, chính trị, quân sự) trong việc giải quyết các thách thức của quan hệ quốc tế.
Đặc trưng của hợp tác quốc phòng đa phương, theo tướng Nguyễn Chí Vịnh, là xây dựng lòng tin và cam kết không sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề giữa các quốc gia, mà hướng sức mạnh đó vào củng cố hòa bình và đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Vị Thứ trưởng Quốc phòng nhớ lại thời điểm năm 2010, khi Việt Nam đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, gồm Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước ASEAN và 8 nước khác.
Như nói về một điều kỳ diệu, tướng Vịnh chia sẻ, trước đó ông chưa từng thấy những người đại diện cấp cao cho sức mạnh quân sự của chừng ấy quốc gia, trong đó có những nước với tiềm lực quốc phòng mạnh nhất thế giới, lại có thể “ngồi lại với nhau, bàn về hòa bình và hợp tác, về cam kết không sử dụng vũ lực”.
Tại các hội nghị như thế này, ông Nguyễn Chí Vịnh nói, các quan chức cấp cao về quốc phòng có thể trao đổi thẳng thắn về cả những vấn đề rất nhạy cảm. Do vậy các diễn đàn quốc phòng tạo điều kiện để hợp tác và đấu tranh trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia.
Tất nhiên, có thể có khoảng cách giữa lời nói và việc làm (ở các nước lớn), nhưng theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, ngay cả trong trường hợp đó ít nhất diễn đàn quốc phòng đã tạo ra một cam kết (từ phía người đứng đầu ngành quốc phòng các nước lớn chẳng hạn) và sự hỗ trợ về tinh thần cho các nước vừa và nhỏ.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - người có nhiều kinh nghiệm trong ngoại giao quốc phòng - khẳng định diễn đàn đa phương rất thích hợp cho việc giải quyết các tranh chấp theo hướng hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh thuyết trình tại Hội nghị toàn quốc về Đối ngoại Đa phương tổ chức tại Hà Nội hôm 12/8. |
Ông phân tích: “Diễn đàn đa phương tạo tiếng nói bình đẳng cho các nước, nhất là các nước nhỏ. Không thể vì anh là nước lớn thì lại nói to hơn nước nhỏ được. Diễn đàn đa phương cung cấp cho bên có lẽ phải một điều kiện để công khai lẽ phải của mình. Và các bên tham gia vào diễn đàn đa phương thì phải tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Trước các cử tọa bao gồm cả cán bộ ngoại giao Việt Nam và các vị khách nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: Nước nào cũng theo lợi ích quốc gia, nhưng khi tham gia các diễn đàn đa phương, các nước phải đồng thời quan tâm đến cả lợi ích chính đáng theo luật quốc tế của các quốc gia khác nữa.
“Anh không thể chỉ vì lợi ích của mình mà muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói. Anh phải quan tâm đến [người khác] thì người ta mới nghe, thì người ta mới thấy sự tham gia của anh là có ích cho sự phát triển chung của khu vực và trên thế giới”.
Như vậy có thể thấy, dù chưa giải quyết được mọi vấn đề, chủ nghĩa đa phương vẫn “hay” hơn chủ nghĩa “đơn phương” rất nhiều. Cơ chế đa phương và tập thể giúp đảm bảo dân chủ thế giới và ngăn ngừa tình trạng một nước nào đó cố tình áp đặt ý chí của riêng mình lên một hoặc nhiều nước khác