(ĐSPL) - Trương Hán Siêu là một danh nhân văn hóa nổi tiếng thời Trần, xuất thân là môn khách của Trần Hưng Đạo, từng lập công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288).
Bình sinh, Trương Hán Siêu là bậc văn tài lỗi lạc, tác giả của bài Bạch Đằng giang phú bất diệt và nhiều kiệt tác khác. Chính vì vậy, vua Trần vẫn thường gọi Trương Hán Siêu là thầy, không gọi bằng tên như các quan lại khác. Khi Trương Hán Siêu mất, triều Trần cho thờ ông ở Văn Miếu, sánh ngang với Chu Văn An và các bậc tiên nho xuất chúng khác.
Tuy có biệt tài văn chương, nhưng trong chính trị, ông lại là người bất cẩn. Bậc đồng liêu là quan Tông chính đại khanh Lê Cư Nhân vẫn gọi mỉa ông là "chân đá cầu nhà quê". Câu này có ý rằng Trương Hán Siêu xét việc như người nhà quê đá cầu, ít khi nào trúng. Đơn cử, như chuyện Trương Hán Siêu còn giữ chức Hành khiển (vào năm Bính Dần, 1326, thời vua Trần Minh Tông) đã tung tin vu khống tố cáo việc Hình quan Phạm Ngộ và Lê Duy ăn hối lộ. Tuy nhiên, mọi việc không đúng như lời nói của ông, vì hành động này mà ông bị phạt tiền.
Theo sử chép, một hôm, Siêu tung tin đặt điều rằng, trong triều rằng Hình quan Phạm Ngộ và Lê Duy ăn hối lộ. Vua nghe tin liền lập lập tức sai điều tra để xem rõ thực hư. Trước việc này, Hán Siêu bèn nói kín với người khác rằng, tôi làm việc ở chính phủ, được vua tin dùng, cho nên mới nói thế, biết đâu lại có chuyện tra xét này. Chuyện này đến tai vua, vua rất bực tức vì hành động bất cẩn của Trương Hán Siêu liền nói: "Hành khiển là quan ở sảnh, Thẩm hình là quan ở viện, ta đều tín nhiệm cả, sao lại làm ta tin quan sảnh mà ngờ quan viện?”. Đến khi tra xét, Hán Siêu đuối lý, vua phạt Trương Hán Siêu 300 quan tiền để nhớ về tội tung tin làm mất uy tín của người khác.
Luật nay: Tung tin, đặt điều cho người khác là phạm tội vu khống
Hành vi tung tin đồn của Trương Hán Siêu đã khiến cho sử gia nhiều đời bình luận và có ý chê cười ông. Theo đó, có sử gia cho rằng phát ngôn bừa bãi đã là tội lớn, lợi dụng sự tin cẩn để phát ngôn bừa bãi rồi bỗng dưng vu hãm người thì tội tại càng lớn hơn. Lê Cư Nhân gọi ông là "chân đá cầu nhà quê", ắt có chỗ lầm lẫn. Bởi trong việc này, Hán Siêu không đá cầu mà đá vào chân người đang đá cầu vậy.
Ở góc độ luật pháp, nếu chiếu theo luật pháp hiện nay thì Trương Hán Siêu đã phạm vào tội vu khống, quy định tại Điều 122 BLHS. Theo đó, hành vi vu khống là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Người nào vu khống người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với nhiều người; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Đối với người thi hành công vụ; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười tám triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Chiếu theo quy định trên, với hành vi tung tin Hình quan Phạm Ngộ và Lê Duy ăn hối lộ dù trên thực tế không phải thế, Trương Hán Siêu có thể bị xử lý ở mức cao nhất là bảy năm vì người mà Trương Hán Siêu tung tin lại là người đang thi hành công vụ, giữ chức vụ Hình quan.