(ĐSPL) - Thời gian gần đây, nhiều ca sỹ trẻ đi theo trào lưu làm mới những ca khúc cách mạng. Tuy nhiên, sự việc này cũng gặp phải một số ý kiến trái chiều. Một số nhạc sỹ gạo cội nhận xét, phá cách những ca khúc đó nếu không “khéo” sẽ làm hỏng những bài ca đã đi cùng năm tháng. Tại chương trình Giai điệu tự hào tháng 9/2016 vừa qua, ca sỹ Tùng Dương đã hát bài Nơi đảo xa với một phiên bản hoàn toàn mới. Tuy nhiên, nhiều người không hài lòng với bản phối ca khúc mang chất liệu Jazz Bue này…
Được biết trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 9 với chủ đề Bám biển quê hương được phát sóng vào 20h45 ngày 25/9 trên kênh VTV1 vừa qua đã có một cuộc tranh cãi “nảy lửa” xung quanh ca khúc mà ca sỹ Tùng Dương biểu diễn. Theo đó, lần đầu tiên trong chương trình Giai điệu tự hào, bài hát Nơi đảo xa của nhạc sỹ Thế Song được Tùng Dương thể hiện với 2 phiên bản khác nhau.
Ở bản phối Nơi đảo xa theo phong cách Acoustic, Tùng Dương thể hiện cùng nhiều chiến sỹ hải quân trong không gian âm nhạc nhẹ nhàng thư thái, nhưng không kém phần sâu lắng. Với phiên bản này, Tùng Dương đã mang đến cho người nghe cảm nhận về tình yêu Tổ quốc lớn lao. Sau đó, ca sỹ Tùng Dương đã hát bài này lần nữa theo phong cách Jazz Blue với những giai điệu réo rắt, quyến rũ. Tuy nhiên, tại lần biểu diễn này, ca khúc Nơi đảo xa đã “vấp” phải những tranh cãi gay gắt.
Ngay trong chương trình Giai điệu tự hào, nhạc sỹ Giáng Son phát biểu: “Tôi rất xin lỗi vì phải nói ra điều này, cho dù là ca khúc được hát với hai phiên bản khác nhau, nhưng tôi thích bài hát Nơi đảo xa theo phong cách nhạc Acoustic là vì “lời và nhạc cần đi với nhau”. Có thể là do tôi nghe hợp tai với phong cách bài hát theo nhạc Acoustic hơn nên tôi sẽ chọn bài hát theo phong cách truyền thống...”.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, nhạc sỹ Tuấn Phương nêu ý kiến: “Chương trình Giai điệu tự hào là một chương trình “vàng thử lửa”. Tại đây, những ca khúc cách mạng, đi cùng với năm tháng sẽ được biểu diễn. Tại chương trình này, có nhiều ca sỹ “cứng” đã hát như Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà... Khi biểu diễn trong Giai điệu tự hào, các ca sỹ luôn phải chuẩn bị sẵn tâm thế đón nhận khen – chê, thậm chí bị chê “tơi tả”.
Trước đó, bài hát Bài ca hy vọng, Trần Thu Hà cũng đã bị nhạc sỹ Phú Quang chê là “nghe không xúc động, không cảm được, bởi nó hoàn toàn lạ với tâm trạng của họ”, dù thừa nhận nữ ca sỹ hát hay. Tùng Dương trước đó khi hát bài Người Hà Nội kết hợp với Broadway (sân khấu chuyên nghiệp – pv), cũng bị chê làm mất đi màu sắc và vẻ đẹp cổ điển vốn có của ca khúc bằng những lớp hóa trang sặc sỡ... Tôi nghĩ, cái mới thường chưa “hợp tai” nên cần thời gian để mọi thứ hài hoà...”.
Theo nhạc sỹ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, với hai bản phối của ca khúc Nơi đảo xa, bản một nhắc lại quá khứ vừa lãng mạn và hào hùng còn bản thứ hai lại cất lên tiếng nói của thế giới. Đây thực sự là một món quà đắt giá mà không chỉ riêng Tùng Dương, nhạc sỹ Thanh Phương mà cả chương trình Giai điệu tự hào dành tặng những cho khán giả yêu ca khúc này. Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cũng nói thêm, các ca khúc cách mạng được làm mới cần được phải làm “tử tế” và có chuyên môn, nếu không ca sỹ sẽ phá hỏng bản nhạc vốn có của nó, vì ranh giới giữa phá cách và phá hỏng là rất mong manh.
Nhắc đến chuyện làm mới ca khúc cách mạng, chắc nhiều khán giả không quên những ồn ào quanh việc ca sỹ Mỹ Linh hát Quốc ca vào tháng 5/2016. Ngoài những lời khen thì Diva này cũng nhận vô số “gạch đá”, nhiều người cho rằng, Mỹ Linh đã phá hỏng một bài hát cách mạng đi liền với những năm tháng lịch sử Việt Nam. Sự việc này một lần nữa nhắc lại những thách thức mà các ca sỹ đã “mạnh dạn” làm mới các tác phẩm âm nhạc cách mạng, kinh điển. Không chỉ Mỹ Linh, Tùng Dương, Hà Trần mà nhiều ca sỹ khác cũng gây ra nhiều tranh luận trái chiều khi khoác lên bài hát một “tấm áo mới”.
Ca sỹ Kiều Anh bày tỏ: “Không phải ai cũng làm mới lại được các ca khúc cách mạng. Phải có chuyên môn và bản lĩnh mới thổi được “làn gió mới” vào bài hát. Ca sỹ trẻ thường nghĩ, mình không thể giữ mãi các bản phối cũ được, vì thị hiếu người nghe giờ cũng đã khác, như kiểu món ngon ăn mãi một kiểu thì cũng chán, cần phải “chế biến” khác thì mới hấp dẫn. Tuy nhiên, làm mới như nào cũng là một câu chuyện dài. Để có những bản phối khí mới hay, chúng tôi cần sự chỉ bảo, động viên từ các nhạc sỹ có chuyên môn và những người làm nhạc có tâm”.
Trao đổi với PV, ca sỹ Tùng Dương tâm tư: “Trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 9/2016, tôi đã hát ca khúc Nơi đảo xa với hai phiên bản. Nếu như phiên bản đầu tiên tôi muốn đưa những người từng ở đảo, sống bám đảo, chiến đấu với đảo hát cùng, thì phiên bản 2 mang nơi đảo xa đến với cuộc sống đương đại hơn, theo cách nhìn của người trẻ. Cả hai phiên bản “tĩnh” và “động” được biểu diễn với 2 tinh thần khác nhau.
Theo tôi, mỗi nghệ sỹ trẻ đều phải có trách nhiệm làm mới, tiếp nối những giá trị, tinh thần trong ca khúc cách mạng với thế hệ kế tiếp. Để làm được như vậy, các ca sỹ trẻ phải có thời gian và chuyên môn đầu tư vào bài hát để các ca khúc cách mạng “khoác” lên mình “tấm áo mới” mà không bị “chê” là phá hỏng bài hát ấy...”.
LẠC THÀNH
Xem thêm video Giải trí:
[mecloud]OG9S1pgq2w[/mecloud]