Đầu năm mua muối
Người xưa quan niệm, muối là một chất mặn, có thể xua đuổi điềm xui, đem lại may mắn cho gia đình. Tục mua muối đầu năm còn mang ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong gia đình, tình cảm gắn bó keo sơn giữa các thành viên trong gia đình, ngoài ra còn hy vọng về sự mặn mà, thân thiết trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ làm ăn.
Hạt muối mang trong mình ý nghĩa phi vật thể rất sâu sắc. Cái mặn mà thể hiện sự đậm đà gắn kết và chân thật sâu nặng, không phải là những thứ hào nhoáng dễ phai.
Ngoài ra, người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung còn có quan niệm rằng muối nằm trong danh mục nhóm thực phẩm quan trọng nhất, thiết yếu nhất tạo nên các hợp chất hữu cơ giúp nuôi sống con người. Cùng với gạo, muối là thứ gia vị lâu đời, không thể thiếu trong căn bếp của người Việt, biểu tượng của sự no đủ.
Người Việt thường mua muối vào ngay thời khắc giao thừa. Khi mua, mọi người thường chỉ mua một bát nhưng sẽ trả tiền tương ứng với một, hai cân muối để cầu may. Theo quan niệm xưa, mua muối bao giờ cũng đong có ngọn, không gạt nghiêng miệng bát để tránh mất lộc, vơi đi sự mặn mà.
Người ta gọi muối bán trong ngày đầu năm mới là “muối lộc”. Sau khi đem muối về nhà, mọi người thường chia thành các túi nhỏ hoặc cho vào bao lì xì để tiện cất giữ. Người làm ăn buôn bán sẽ để túi muối ở quầy hàng mong đắt khách, người đi xa cũng bỏ vào vali một ít để lộ trình bình an.
Cuối năm mua vôi
Ngược với tục mua muối, mọi người thường tránh mua vôi đầu năm. Người xưa quan niệm vôi là biểu tượng cho sự bạc bẽo, ca dao xưa cũng đã có câu “bạc như vôi”. Đầu năm phải tránh mua vôi để tránh những rủi ro trong năm mới, tránh được những mối hiểm nguy, hiềm khích, rạn nứt và đổ vỡ trong quan hệ tình cảm gia đình cũng như công việc.
Vào những ngày cuối năm, đặc biệt là sau 23 tháng Chạp, các gia đình thường mua vôi quét lại nhà, cổng nhằm xóa đi những điều không may trong năm cũ, đến với khởi đầu mới tốt đẹp, tươm tất hơn. Vôi trắng cũng giúp quét lại nhà cửa cho sáng sủa, chuẩn bị đón năm mới.
Có một cách giải thích khác cho việc mua vôi cuối năm, đó là để tiếp vôi cho "ông bình vôi". Được biết, “ông bình vôi” là vật dụng đặc biệt để vôi ăn trầu bằng sành sứ, chỉ các cụ có thói quen ăn trầu mới có.
Người xưa quan niệm khi dùng dao vôi để lấy vôi, nhất thiết không được ngoáy chìa vôi vào lòng “ông bình vôi”, nếu không sẽ bị bệnh cồn cào ruột gan, thay vào đó phải dùng chìa đưa thẳng rồi rút ra. Hành động này khiến miệng “ông bình vôi” cứ mỗi ngày một đầy, thành vành khuyên, hôm trở trời tự lóc ra, người ta dùng dao khứa chân rồi đem xâu vào dây treo trước cửa để trừ tà.
“Ông bình vôi” là vật thiêng trong nhà người xưa nên lúc nào cũng phải cho “ông” ăn no, ăn đủ. Tuy nhiên, do có quan niệm “bạc như vôi” nên mọi người chỉ cho “ông” ăn vào cuối năm, từ đó có tục “cuối năm mua vôi”.
Được biết, “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" còn là câu ngụ ý cha mẹ muốn con cái mua "muối mặn" để ăn uống tiết kiệm, dành tiền cuối năm mua vôi xây nhà.
Đinh Kim(T/h)