+Aa-
    Zalo

    Tự ý điều trị tay chân miệng có thể mất mạng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều trẻ mắc tay chân miệng trước khi nhập viện đã được gia đình tự ý điều trị bằng thuốc hạ sốt hoặc truyền dịch ở nhà... là điều rất đáng lo ngại.

    Thời điểm này, số bệnh nhân mắc tay chân miệng phải nhập viện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại là rất nhiều trẻ trước khi nhập viện đã được gia đình tự ý điều trị bằng thuốc hạ sốt hoặc truyền dịch ở nhà, hoặc được điều trị chưa đúng ở tuyến dưới.

    Tự ý điều trị tay chân miệng có thể mất mạng

    Cần đưa trẻ có dấu hiệu mắc tay chân miệng đến bệnh viện điều trị tránh những biến chứng nguy hiểm. Ảnh: N.P

    Nguy hiểm không kém sởi

    Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tập trung đông nhất ở khu vực phía Nam. Riêng tại TP.HCM, hiện đã ghi nhận hơn 3.300 ca mắc, tăng 28\% so với cùng kỳ năm 2013. Tại khu vực phía Bắc, bệnh nhân tay chân miệng được ghi nhận đến thời điểm này vẫn đang thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng số mắc mới đang có xu hướng gia tăng nhanh. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh ở miền Nam là do thời tiết nắng nóng, mưa – nắng thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể của trẻ. Trong khi đó, miền Bắc cũng bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, mưa nhiều nên dự báo số mắc tay chân miệng chắc chắn sẽ tăng cao trong thời gian tới.

    Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 20 - 25 ca mắc tay chân miệng vào khám, điều trị. PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tuy số vào viện khám thời điểm này chưa nhiều song không thể chủ quan vì tay chân miệng là bệnh rất dễ lây, dễ bùng phát thành dịch và nhất là chưa có vaccine phòng ngừa. Hơn nữa, mặc dù là bệnh tương đối ít biến chứng vào tim, phổi nhưng với những diễn biến phức tạp của các dịch bệnh như hiện nay, mức độ nguy hiểm của bệnh tay chân miệng là không hề kém bệnh sởi.

    Tương tự, tại khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm này, trung bình mỗi ngày có khoảng 5 - 7 ca mắc tay chân miệng đến khám. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, hầu hết bệnh nhân tay chân miệng đến khám thời gian qua có biểu hiện bệnh nhẹ và được cho điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp do nhầm lẫn với bệnh lý khác, tự ý điều trị tại nhà, nhập viện muộn, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

    Thận trọng trong điều trị

    Đánh giá về mức độ nguy hiểm của việc tự ý điều trị bệnh tay chân miệng, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh tay chân miệng có biểu hiện ban đầu giống với nhiều bệnh sốt phát ban do virus khác nên rất dễ nhầm lẫn, dẫn đến sự chủ quan hoặc tự ý điều trị không đúng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian qua tiếp nhận không ít trường hợp mắc tay chân miệng, trước khi nhập viện đã tự ý dùng kháng sinh, thuốc hạ sốt. Nếu đúng là tay chân miệng thì việc dùng thuốc hạ sốt có tác dụng nhưng nếu mắc sốt xuất huyết mà nhầm lẫn với tay chân miệng, uống một số loại thuốc hạ sốt có thể gây chảy máu niêm mạc, xuất huyết đường tiêu hóa.

    Đặc biệt, khoảng 70 - 80\% bệnh nhân tay chân miệng nhập viện trong giai đoạn muộn hoặc được chuyển từ tuyến dưới lên đã được tiêm kháng sinh, truyền dịch trước đó. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho biết, đây là một quan niệm khá phổ biến trong điều trị tay chân miệng nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Lý do vì việc truyền dịch cần phải có chỉ định cụ thể về loại dịch, tốc độ truyền, cũng như phải thận trọng đánh giá hết các triệu chứng của trẻ có thể gặp phải trong quá trình truyền dịch. Nếu truyền dịch một cách tùy tiện, hoặc truyền không đúng chỉ định thì nguy cơ rủi ro rất cao, có thể dẫn đến viêm phổi, phù phổi, suy tim do sự dư thừa dịch gây ra.

    Không nên lạm dụng truyền dịch 

    Trên thực tế, ở các bệnh viện tuyến dưới vẫn còn tình trạng bác sĩ cả nể, thấy bệnh nhân sốt ruột xin truyền dịch thì cũng cho truyền dịch. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải cảnh báo, mọi người, nhất là y bác sĩ chỉ truyền dịch cho bệnh nhi mắc tay chân miệng khi trẻ nôn nhiều, sốt cao kéo dài 2 ngày, ăn kém, mất nước.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-y-dieu-tri-tay-chan-mieng-co-the-mat-mang-a33388.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan