Tình trạng ăn trộm như trộm gà, trộm chó... ngày càng táo tợn khiến người dân bất bình. Thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, trắng trợn, đặc biệt hơn, bọn trộm còn gây nên nhiều cái chết oan uổng hoặc “đẩy” người dân vào vòng lao lý do bức xúc mà đánh trả chúng.
Hành vi vi phạm pháp luật
Trao đổi trên báo chí, luật sư Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng việc người dân tức giận khi bắt được trộm, rồi đánh là điều rất dễ hiểu, thậm chí còn được nhiều người ủng hộ việc này vì cho rằng hành vi trộm cắp tài sản hiện nay diễn ra quá nhiều, thậm chí liên tục.
Tuy nhiên, hành vi đánh kẻ trộm là hành vi vi phạm pháp luật và không loại trừ việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu việc đánh người gây ra hậu quả nghiêm trọng.
LS Chánh phân tích, trong trường hợp phát hiện trộm thì người dân có quyền bắt người trộm tài sản, sau đó thông báo cho cơ quan công an. Mọi hành vi đánh đập, bức hại gây thương tích cho người có hành vị trộm cắp đều bị ngăn cấm.
"Tự xử" kẻ trộm, từ nạn nhân có thể trở thành tội phạm - Hình minh họa/ Nguồn: Internet |
Nếu gây thương tích cho kẻ trộm cũng bị xử tù, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 60% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù với mức phạt cao nhất là 15 năm.
Cũng theo LS Chánh, nếu gây hậu quả chết người thì bị truy cứu tội “giết người” theo Điều 93 Bộ luật Hình sự (BLHS), mức hình phạt cao nhất là tử hình. Nếu gây thương tích cho đối tượng từ 11% trở lên thì phạm tội “cố ý gây thương tích” theo điều 104 BLHS, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
"Nếu phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân. Vì vậy, người dân phải cận trọng, nên kiềm chế cảm xúc của mình đừng chống lại kẻ trộm vì vô tình vi phạm pháp luật, dẫn đến hậu quả đau lòng", LS Chánh nhấn mạnh.
Bắt được trộm, phải xử lý thế nào?
Trung tá Đào Trung Hiếu – Chuyên gia Tội phạm học nhận định, rất nhiều tình huống mà trực tiếp nạn nhân tiếp xúc với đối tượng như bắt được cướp giật, trộm cắp… Vấn đề là cách xử lý tình huống sau khi bắt được đối tượng thế nào cho đúng bởi không ít trường hợp nhiều người vì thế mà vướng vào vòng lao lý.
Theo quy định của Pháp luật, mọi hành vi phạm tội quả tang thì bất cứ ai, công dân nào cũng có quyền bắt giữ, khám xét thu vũ khí, khống chế và dẫn giải đến cơ quan pháp luật gần nhất.
Thế nào là bắt quả tang ? Trung tá Đào Trung Hiếu cắt nghĩa : Đó là hành vi phạm tội đang diễn ra, vừa diễn ra và đang truy đuổi. Tức là có tính quả tang và liên tục về thời gian.
“Tuy nhiên rất nhiều người dân không hiểu chế định của pháp luật dẫn đến từ nạn nhân trở thành tội phạm. Phải hiểu rõ là đối tượng sai với pháp luật chứ không sai với cá nhân người nào đó. Do đó việc sử dụng vũ lực đánh đối tượng cho bỏ tức, giam giữ đối tượng để tự xử là hành vi phạm tội và sẽ bị xử lý. Quan điểm theo lệ làng khi gặp kẻ trộm cướp là mình có quyền xử là sai”, Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng nêu rõ, kể cả gặp người phạm tội nhưng mình quá khích đánh người ta đến chết sẽ phạm tội “giết người”, gây thương tích trên 11% thì phạm tội “cố ý gây thương tích” hoặc giam trói thì phạm tội “bắt giữ người trái pháp luật”. Không có điều khoản, Luật nào quy định người dân được phép tự tra khảo, xử lý đối tượng trộm cắp.
Chia sẻ về kỹ năng xử lý tình huống khi bắt giữ được đối tượng trộm cắp, Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết: “Trên thực tế xảy ra nhiều tình huống khác nhau, không có đại lượng chung nào cho công thức ứng xử. Tuy nhiên, mọi người phải hiểu chỉ có tòa án mới có quyền phán quyết một người phạm tội, do vậy anh không thể đại diện công lý, thực thi công lý được.
Khi anh không có quyền ấy mà thực hiện quyền ấy là sai. Pháp luật cho phép anh được phép bắt giữ đối tượng, tước vũ khí nhưng sau đó phải dẫn giải đối tượng đến cơ quan pháp luật gần nhất để cơ quan có thẩm quyền điều tra và xử lý”.
Cự Giải (T/h)