+Aa-
    Zalo

    Từ vụ Xuyên Việt Oil, Bộ Công an kiến nghị giải pháp chặn “lỗ hổng” trong quản lý xăng dầu

    (ĐS&PL) - Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến vụ án tại Xuyên Việt Oil là việc lỏng lẻo trong quản lý quỹ bình ổn xăng dầu.

    Những “lỗ hổng” trong kinh doanh xăng dầu

    Trong kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, ngoài làm rõ hành vi của 15 bị can, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng nêu nhận định về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và kiến nghị biện pháp phòng ngừa.

    Theo đó, Bộ Công an đánh giá đây là vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ liên quan đến lĩnh vực an ninh năng lượng, an ninh tài chính, ngân hàng xảy ra từ trung ương đến địa phương, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát tài sản Nhà nước đặc biệt lớn, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và được dư luận xã hội quan tâm. Để xảy ra tội phạm này, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thấy có một số nguyên nhân, như: 

    Đối với công tác kiểm tra, giám sát Quỹ BOG: Theo các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, BOG không được quản lý tập trung mà được để tại doanh nghiệp Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và giao doanh nghiệp tự quản lý, chủ động trích lập, sử dụng và báo cáo số dư Quỹ BOG về Cơ quan quản lý nhà nước. Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể phương pháp, cách thức quản lý, kiểm tra thực tế số dư Quỹ BOG mà doanh nghiệp đã trích lập trong từng kỳ báo cáo và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý liên quan, nên chủ sở hữu các doanh nghiệp đã lợi dụng để chiếm dụng, sử dụng trái phép, dẫn đến thất thoát tài sản. 

    Bộ Công an chỉ ra nhiều "lỗ hổng"  trong kinh doanh xăng dầu.

    Bộ Công an chỉ ra nhiều "lỗ hổng"  trong kinh doanh xăng dầu. 

    Đối với công tác quản lý, thu tiền Thuế bảo vệ môi trường: Đây là nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc nhà nước không trực tiếp thu tiền thuế này từ người tiêu dùng mà giao cho Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thủ hộ cho nhà nước, nhưng số tiền thu hộ không được hạch toán, nộp vào tài khoản định danh riêng biệt, nên đã bị chủ sở hữu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lợi dụng để chiếm dụng… 

    Việc cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu: Do quy định hiện hành chưa quy định chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền cấp phép “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện hoặc bỏ qua việc hợp thức hoá hồ sơ, điều kiện cấp phép, doanh nghiệp không duy trì điều kiện kinh doanh sau khi được cấp phép. 

    Đối với các bị can phạm các tội tham nhũng, Cơ quan điều tra nhận định họ vì động cơ vụ lợi, đã thiếu gương mẫu, suy thoái đạo đức, lợi dụng việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thuế, ngân hàng để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

    Bộ Công an kiến nghị gì?

    Từ các nguyên nhân trên, để phòng ngừa sai phạm, trong kết luận điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an kiến nghị 4 vấn đề.

    Thứ nhất, đối với công tác kiểm tra, giám sát Quỹ BOG, trước mắt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG của các cơ quan quản lý nhà nước và yêu cầu thương nhân đầu mối xăng dầu phải công khai số dư Quỹ và tài liệu, chứng từ chứng minh theo định kỳ hàng tháng để đảm bảo chặt chẽ, minh bạch.

    Sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, cần quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước và cần thiết giao một cơ quan duy nhất có quyền hạn, trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát Quỹ BOG hoặc chuyển Quỹ BOG về cơ quan Nhà nước quản lý trực tiếp. Trường hợp phát hiện có vi phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét, xử lý hình sự.

    Thứ hai, đối với công tác quản lý, thu tiền thuế bảo vệ môi trường, pháp luật, cần quy định thời gian cụ thể mà doanh nghiệp phải nộp số tiền thuế đã thu hộ vào ngân sách Nhà nước và trách nhiệm hình sự của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp không thực hiện việc chuyển nộp số tiền đã thu hộ này vào ngân sách nhà nước theo thời gian quy định.

    Cơ quan thuế cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền chấn chỉnh trong quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và kịp thời có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý. Trường hợp, để xảy ra sai phạm về thời gian chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước thì người đứng đầu cơ quan thuế và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    Thứ ba, đối với việc cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Pháp luật cần quy định trách nhiệm, chế tài nghiêm khắc đối với đơn vị, người có thẩm quyền cấp phép sau khi cấp phép. Trường hợp doanh nghiệp không duy trì điều kiện cấp phép thì phải kiến nghị thu hồi giấy phép và có hình thức phạt bổ sung nghiêm khắc đối với doanh nghiệp, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

    Thứ tư, đối với các vấn đề, lĩnh vực khác có liên quan trong vụ án, các cơ quan có thẩm quyền liên quan cần khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về lĩnh vực, ngành chuyên môn phụ trách và quy định chế tài xử lý nghiêm khắc có tính chất răn đe, giáo dục nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi sai phạm, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tu-vu-xuyen-viet-oil-bo-cong-an-kien-nghi-giai-phap-chan-lo-hong-trong-quan-ly-xang-dau-a460804.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan