+Aa-
    Zalo

    Từ vụ xử Phạm Công Danh: Quy định về sức khỏe của bị cáo trong phiên tòa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong phiên xử đại án VNCB, nhiều bị cáo có sức khỏe yếu, liên tục phải chăm sóc y tế ngay tại tòa.

    Trong phiên xử đại án VNCB, nhiều bị cáo có sức khỏe yếu, liên tục phải chăm sóc y tế ngay tại tòa.

    Phạm Công Danh, Trầm Bê sức khỏe yếu khi ra tòa

    TAND TP.HCM mở phiên xét xử bị cáo Phạm Công Danh (SN 1965, cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch hội đồng Tín dụng ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng từ ngày 8/1. Ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong quá trình điều hành VNCB, gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng của ngân hàng này. 

    HĐXX triệu tập 200 người và đơn vị tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng - bao gồm hàng loạt ngân hàng, công ty tham gia giao dịch số tiền được ông Danh và đồng phạm rút từ VNCB để trả nợ và sử dụng cho mục đích cá nhân.

    So với phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vào đầu năm 2017, bị cáo Phạm Công Danh gầy gò hơn nhiều. Luật sư bào chữa cho bị cáo Danh cho rằng bệnh tim, cao huyết áp của ông Danh đang có chuyển biến xấu hơn so với phiên tòa lần trước. Tại phiên tòa này, bị cáo Danh than sức khỏe yếu, trí nhớ kém.

    Luật sư Phạm Ngọc Trung - một trong ba người bào chữa cho ông Trầm Bê (SN 1959), cho biết trên báo Dân trí, hiện sức khỏe ông Bê có phần yếu hơn so với thời điểm trước khi bị bắt giam. Tuy nhiên, khi được gặp gia đình và thời tiết Sài Gòn ấm, tinh thần ông ổn định, khá thoải mái trước phiên xét xử diễn ra vào ngày 8/1.

    "Ông Bê có tiền sử bệnh tiểu đường, dễ chóng mặt khi đứng lâu. Để đảm bảo sức khỏe cho thân chủ, chúng tôi đã gửi bệnh án cho TAND TP.HCM, đề nghị để ông được ngồi trong quá trình xét xử", luật sư Trung cho hay.

    Góc nhìn luật gia - Từ vụ xử Phạm Công Danh: Quy định về sức khỏe của bị cáo trong phiên tòa

    Bị cáo Phạm Công Danh và Trầm Bê.

    Trong phiên xử ngày 8/1, ông Phạm Công Danh và Trầm Bê xin được chăm sóc ý tế đến 4 lần.

    Theo thẩm phán Phạm Lương Toản, 2 bị cáo có sức khỏe không tốt được chăm sóc ý tế là bình thường. Tuy nhiên thẩm phán cũng lưu ý, chỉ những ai sức khỏe thật sự không đảm bảo mới được cho phép ra ngoài.

    Đến phiên xử chiều 9/1, chủ tọa phiên tòa cho biết, HĐXX đã nhận được đơn xin vắng mặt của ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV) vì đang điều trị ung thư gan.

    Ngoài ra, ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang (2 cựu Phó tổng giám đốc BIDV) và một số người khác cũng xin vắng mặt vì lý do sức khỏe. Họ đồng ý sử dụng lời khai của mình tại cơ quan điều tra để sử dụng tại phiên tòa.

    Riêng bà Hứa Thị Phấn, HĐXX cho biết bà đang điều trị tại bệnh viện quận 7, sức khỏe chỉ còn 7% - theo giám định của cơ quan y tế nên đồng ý việc bà vắng mặt tại tòa. Bà Phấn là người bán ngân hàng Đại Tín lại cho Phạm Công Danh, sau đó được đổi tên thành ngân hàng Xây Dựng. Bà được tòa triệu tập với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

    Ông Trần Bắc Hà và 2 cựu lãnh đạo của BIDV bị tòa triệu tập với hai tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan, người làm chứng do đã cho 12 công ty của ông Danh vay 4.700 tỷ đồng, gián tiếp gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng.

    Có thể thấy trong phiên xử đại án VNCB, các bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng đều có sức khỏe yếu, vậy quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này như thế nào? PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, luật sư Vũ Quang Bá – công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

    Quy định về sức khỏe của bị cáo trong phiên tòa

    Thạc sĩ, luật sư Vũ Quang Bá phân tích: Theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS), bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.

    Trong trường hợp, nếu bị cáo bị bệnh hiểm nghèo thì hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Hiện nay, người mắc bệnh hiểm nghèo có thể được hiểu là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng (ung thư, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS) và những bệnh khác theo quy định của bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo. Việc xác định người mắc bệnh hiểm nghèo phải theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên.

    "Do đó, đối với trường hợp ông Phạm Công Danh và Trầm Bê, để có cơ sở xác định tình trạng bệnh lý có thuộc diện bệnh hiểm nghèo hay không cần có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên. Hoặc nếu không đủ điều kiện sức khỏe tham gia vụ án cần có kết luận của bệnh viện về tình trạng sức khỏe, trên cơ sở đó có thể làm đơn xin xét xử vắng mặt", Thạc sĩ, luật sư Vũ Quang Bá nêu quan điểm.

    Trong trường hợp do tình trạng sức khỏe mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa thì hội đồng xét xử có thể quyết định tạm ngừng phiên tòa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc tạm ngừng chỉ được thực hiện nếu người tham gia tố tụng do tình trạng sức khỏe nhưng phải đảm bảo họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 5 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa. Thời gian tạm ngừng phiên tòa không quá 5 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa. Theo quy định tại Điều 297, BLTTHS 2015, thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

    Theo quy định tại khoản 2, Điều 290, Bộ luật Tố tụng Hình sự, tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử. Ngoài ra, nếu bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được hội đồng xét xử chấp thuận thì tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo.

    Góc nhìn luật gia - Từ vụ xử Phạm Công Danh: Quy định về sức khỏe của bị cáo trong phiên tòa (Hình 2).

    Luật sư Vũ Quang Bá.

    Phân tích về trường hợp của người làm chứng cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, luật sư Vũ Quang Bá nêu: Theo quy định BLTTHS đối với người làm chứng cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, chỉ có người làm chứng mới có thể bị dẫn giải nếu cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử.

    Việc dẫn giải sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 127, BLTTHS 2015. Ngoài ra, trường hợp người làm chứng từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị xem xét về tội từ chối khai báo theo quy định tại Điều 383, Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định BLTTHS việc áp dụng biện pháp cưỡng chế dẫn giải không được thực hiện đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, trên thực tế cơ chế buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có mặt tại phiên tòa khó thực hiện do chưa có chế tài cưỡng chế. 

    Trong trường hợp người làm chứng vắng mặt mà có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì cơ quan tiến hành tố tụng không được áp dụng biện pháp dẫn giải.

    "Đối với việc ông Trần Bắc Hà do được tòa án triệu tập tham gia vụ án với 2 tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng. Do đó, trong trường hợp ông Hà vắng mặt với lý do đang bị bệnh ung thư gan, để có căn cứ cho việc vắng mặt tại tòa tránh việc bị áp dụng biện pháp dẫn giải, ông Hà cần có kết luận hoặc chỉ định bác sĩ liên quan đến việc không đủ điều kiện sức khỏe tham gia phiên tòa.

    Nếu xét thấy việc vắng mặt của ông Hà sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án thì tùy từng trường hợp tòa án có quyền tạm ngừng phiên tòa để chờ ông Hà bình phục hoặc tòa án có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại Điều 280, BLTTHS. Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà có thể cung cấp lời khai bằng văn bản dựa trên nội dung tòa án cần làm rõ sau đó giao nộp cho tòa án, tòa án sẽ thực hiện việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định tại Điều 252, BLTTHS để làm căn cứ xét xử vụ án", thạc sĩ, luật sư Vũ Quang Bá cho hay.

    V.Hương 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vu-xu-pham-cong-danh-quy-dinh-ve-suc-khoe-cua-bi-cao-trong-phien-toa-a216124.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan