Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
Liên quan đến vụ xe khách chở 29 người lao xuống vực tại Tam Đảo, ngày 26/2, Báo Tin tức đưa tin, Công an huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đã chuyển hồ sơ sang Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phúc để tiếp tục điều tra nguyên nhân.
Theo đó, vào khoảng 16h30 ngày 25/2, xe ô tô khách 29 chỗ biển kiểm soát 29B-311.37 do Lê Ngọc Hưng (sinh năm 1962 ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) điều khiển, lưu thông theo hướng từ thị trấn Tam Đảo đi thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Khi xe đi đến Km 19+300 Quốc lộ 2B, thuộc địa phận xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo thì bất ngờ đâm gãy hàng rào hộ lan, lao xuống dưới taluy âm khoảng 5m, làm 7 người trong xe bị thương.
Khi xảy ra tai nạn, trên xe có 29 người cả lái xe. Các hành khách là cán bộ hưu trí Bệnh viện Quân y 110, tỉnh Bắc Ninh.
Theo Công an huyện Tam Đảo, xe ô tô khách 29B-311.37 vẫn còn thời gian kiểm định. Qua kiểm tra, lái xe không có nồng độ cồn, không sử dụng ma túy.
Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức cứu hộ, cứu nạn, phân luồng giao thông để bảo đảm tuyến đường lên thị trấn Tam Đảo thông suốt.
Ngay sau khi nhận được thông vụ tai nạn, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức thăm hỏi, bố trí xe đưa hành khách trên xe ô tô khách trở về nhà an toàn.
CSGT lưu ý tài xế khi đi đường đèo dốc
Theo lực lượng CSGT phụ trách tuyến QL2B lên Tam Đảo, từ Km 13 các hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, sơn, hộ lan mềm, dốc cứu nạn cơ bản đầy đủ.
Đánh giá ban đầu của cơ quan chức năng, vụ tai nạn xảy ra có nguyên nhân chủ yếu do tài xế còn non kinh nghiệm, ít đi đường đèo dốc.
"Vị trí xảy ra tai nạn chỉ cách thị trấn 4km, rất có thể là lái xe xuống dốc với số cao rồi rà phanh gây ra việc mất phanh", Báo Giao thông dẫn lời đại diện lực lượng CSGT nhận định.
CSGT cũng khuyến cáo các tài xế, cần lưu ý những điều sau:
Đối với mô tô, xe gắn máy nên hạn chế đi xe tay ga và đặc biệt lưu ý không được tắt máy thả trôi đối với xe tay ga.
Còn đối với ô tô, tài xế cần kiểm tra kỹ hệ thống đèn, phanh trước khi đi lên và đi xuống Tam Đảo.
Đối với trường hợp không may mất phanh khi xuống dốc, tài xế cần giữ bình tĩnh và lưu ý những điều sau để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra:
Luôn quan sát và bật đèn báo khẩn cấp: Không hoảng loạn và cũng không chăm chăm vào việc giảm tốc cho xe. Thay vào đó việc cần làm đầu tiên là quan sát diễn biến phía trước và sau xe để tránh gây va chạm. Ngay lập tức bật đèn báo khẩn cấp, nháy đèn pha và dùng còi báo liên tục để các phương tiện đang cùng lưu thông chú ý, chủ động nhường đường.
Giảm chân ga: Xe mất phanh là trường hợp không thể sử dụng chân phanh để kiểm soát tốc độ của xe. Cách xử lý khi xe mất phanh được khuyên áp dụng nhiều nhất đó là bỏ chân ga hoặc giảm chân ga.
Không tắt máy xe: Khi xe ô tô mất phanh tuyệt đối không tắt máy xe. Bởi tắt máy xe sẽ làm xe bị mất trợ lực lái khiến người lái rất khó điều khiển xe để tránh các chướng ngại trên đường.
Sử dụng phanh tay: Phanh tay được thiết kế để sử dụng khi xe dừng hẳn. Nhưng trong trường hợp khẩn cấp cũng có thể dùng phanh tay để tạo lực hãm.
Thủy Tiên (T/h)