+Aa-
    Zalo

    Từ vụ thảm sát tại Bình Phước: Làm gì khi có kẻ cướp vào nhà?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Phải xử lý như thế nào khi đối mặt với những tên trộm, cướp đặc biệt là những tên trộm, cướp có mang theo hung khí là câu hỏi được nhiều người đặt ra

    (ĐSPL)  - Phải xử lý như thế nào khi đối mặt với những tên trộm, cướp đặc biệt là những tên trộm, cướp có mang theo hung khí là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Đó là một tình huống có thể sẽ xảy đến với bất kỳ ai trong cuộc sống.
    Phải làm gì khi có kẻ cướp vào nhà?
    Liên quan tới vấn đề này, PV báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộctrao đổi với Trung tá - Ths. Đào Trung Hiếu (nguyên Đội phó, Điều tra viên Đội Điều tra trọng án, Phòng CSHS- CATP Hà Nội).
    Trung tá Đào Trung Hiếu nhận định: “Trường hợp bọn cướp tấn công từ bên ngoài vào, nhưng mới chỉ có lời nói, cử chỉ để hăm dọa, khống chế yêu cầu đưa tài sản, phương án ứng xử tối ưu nhất đó là tỏ ra ngoan ngoãn phục tùng. Hãy mềm mỏng trong ứng xử và làm theo tất cả yêu cầu của chúng, không để chúng có cảm giác bất an hay bị kích động”.
    “Hãy ngoan ngoãn giao tiền, vàng, hoặc chỉ nơi để ví, túi xách, đọc mã số hoặc tự mở két sắt cho chúng, phải cho chúng có một số ít tiền hoặc gì đó để ra đi. Không nên nhìn thẳng và đừng bao giờ tỏ ra vẻ cố gắng ghi nhớ mặt chúng. Nếu có nhận ra người quen cũng tuyệt đối vờ như không biết. Tuyệt đối không nên phản ứng ngay lập tức như giằng co, đánh lại đối tượng, hoặc hô hoán kêu cứu, hay có lời nói đe dọa sẽ báo công an. Bởi vì cách này càng kích động đối tượng dẫn đến việc sử dụng vũ lực ngay tức khắc” – Trung tá Hiếu nói.

    Trung tá - Ths. Đào Trung Hiếu (nguyên Đội phó, Điều tra viên Đội Điều tra trọng án, Phòng CSHS- CATP Hà Nội).

    Trung tá Hiếu cho biết thêm, cố gắng ứng xử khéo léo để chúng lơ là, chủ quan, rồi tận dụng sơ hở để bỏ chạy đến nơi an toàn trong nhà, chốt khóa cửa phòng lại. Nếu có thể thì bỏ chạy thoát thân khỏi nhà, hô hoán rồi gọi điện báo công an.
    Trung tá Đào Trung Hiếu phân tích thêm: “Tình huống có thể tự vệ (đánh giá về tương quan lực lượng, hung khí đối tượng cầm theo) thì trước tiên vẫn nên tỏ ra hợp tác với chúng, nhân lúc sơ hở bấm chuông báo động rồi cầm vũ khí (đã để sẵn trong nhà) tấn công đối tượng vào đầu, mặt, cánh tay cầm hung khí, ống cẳng chân. Nếu không có hung khí thì nhân lúc đối tượng không để ý, dùng tay chọc vào mắt hoặc đá vào bộ hạ, cẳng chân (ống đồng) của đối tượng thật mạnh. Lưu ý, việc bất ngờ tấn công đối tượng chỉ nhằm mục đích chạy thoát thân, kêu gọi sự trợ giúp, chứ không nên một mình đánh bắt tội phạm.
    Trong tình huống đã bị đối tượng lạ mặt đánh đòn phủ đầu, choáng váng và gục xuống sàn thì hãy nằm bất động, giả chết mặc cho chúng lục lọi, cho đến khi rút đi. Vì cái đối tượng hướng đến là tài sản chứ không phải là tính mạng chủ nhà.”
    Phòng còn hơn chống
    Theo Trung tá Hiếu: “Riêng tình huống bị tên cướp quen tấn công, thì chỉ còn cách phản ứng quyết liệt, vừa chống trả vừa hô hoán và tìm đường gần nhất để chạy thoát thân. Vì đối tượng có quan hệ sẽ cố ý giết chết chủ nhà trước khi lục lọi tài sản, nên cách mềm mỏng van xin hay hợp tác hoặc nằm yên giả chết sẽ không có kết quả và càng làm đối tượng dễ dàng tước đoạt tính mạng của mình. 
    Trong tình huống đó, cần tìm nhanh những vật dụng có sẵn ở xung quanh. Khi đó, một phích nước nóng, một cái cốc, thậm chí gạt tàn thuốc lá… hay bất kỳ vật cứng nào vơ được đều có thể trở thành vũ khí quan trọng để tự vệ. Nên nhằm vào đầu mặt, cánh tay, bộ hạ, cẳng chân đối tượng mà tấn công quyết liệt. Trong lúc thủ thế, nghĩ đến nơi để vũ khí như gậy, dao, đèn pin, bình xịt cay. Vừa đánh vừa hét, hô hoán, có tác dụng trấn áp, làm đối tượng mất tinh thần. Khi có cơ hội phải bỏ chạy ngay lập tức khỏi vùng nguy hiểm”.
    Trung tá Đào Trung Hiếu đưa lời khuyên: “Phương châm ứng xử trong tình huống bị đột nhập, ưu tiên số 1 là phải bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe của bản thân và gia đình. Không vì tâm lý luyến tiếc tài sản mà ứng xử manh động, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.”
    “Nên nhớ “phòng hơn chống”. Việc chủ động phòng ngừa sẽ vô hiệu hóa hoặc giảm thiểu thiệt hại trong các vụ trộm đột nhập. Trước hết, các hộ gia đình cần gia cố cửa nhà, kể cả cửa ban công, sân phơi cũng phải chắc chắn và đóng khoá cẩn thận, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, khóa trong để chống cắt phá khóa.
    Tuy nhiên, đừng biến ngôi nhà mình thành một chuồng sắt kiên cố và tự chặn đường thoát của chính mình trong những rủi ro cháy nổ. Tất cả chìa khoá cửa và cổng nên tập trung một chỗ, đánh dấu bằng nhiều màu sơn nổi bật trên từng cặp ổ - chìa cụ thể, phòng trường hợp khẩn cấp, thao tác mở sẽ nhanh hơn…” – Trung tá Hiếu nói.
    Với kinh nghiệm từ thực tiễn công tác nhiều năm trong lĩnh vực điều tra trọng án, điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trung tá, Thạc sỹ Đào Trung Hiếu hiện đang biên tập cuốn sách “MẸO THOÁT HIỂM”, với mục đích cung cấp những kỹ năng cần thiết cho người dân để xử lý các tình huống phức tạp, nguy hiểm đang diễn ra, góp phần thiết thực vào việc chủ động phòng ngừa tội phạm, bảo vệ sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của mỗi người trước hiểm họa đến từ các loại tội phạm.
    XUÂN TÙNG
    [mecloud]XjycTy5vWR[/mecloud]
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vu-tham-sat-tai-binh-phuoc-lam-gi-khi-co-ke-cuop-vao-nha-a101379.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.