Nhập viện phẫu thuật sau ăn 3 trái hồng ngâm
Thông tin trên VTC News, người đàn ông 59 tuổi, quê Ninh Bình ăn 3 quả hồng ngâm cách đây ít ngày, sau đó đau bụng âm ỉ, đau từng cơn và bí trung đại tiện phải đến bệnh viện kiểm tra.
Qua thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột do bã thức ăn, với khối bã lớn trong dạ dày. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật mở bụng để làm tan bã thức ăn ở ruột non và đẩy xuống đại tràng, đồng thời mở dạ dày để lấy bã thức ăn.
Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân hồi phục ổn định, vết mổ liền khô, ít đau, và đã có thể ăn uống, đi lại nhẹ nhàng.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, tắc ruột do bã thức ăn là cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Đa số các trường hợp cần phẫu thuật để làm tan hoặc lấy khối bã ra ngoài.
Hiện tượng này xảy ra khi khối bã thức ăn hình thành trong dạ dày và di chuyển xuống ruột non gây tắc. Nguyên nhân thường do ăn thực phẩm chứa nhiều tanin như hồng ngâm, ổi, sung, hạt hoa quả, hoặc thực phẩm khó tiêu hóa như măng, mít, kẹo cao su.
Tanin và chất xơ khi gặp axit dạ dày sẽ kết tủa thành khối bã rắn chắc. Những người dễ bị tắc ruột do bã thức ăn thường là người đã phẫu thuật cắt dạ dày, người già răng đã rụng và trẻ em.
Những ai không nên ăn hồng ngâm?
Quả hồng ngâm là trái cây được ưa chuộng tại Việt Nam vào mua thu với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, các cơ sở y tế vẫn thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bị tắc ruột do ăn hồng ngâm. Những trường hợp sau không nên ăn hồng ngâm:
Người bị dạ dày
Quả hồng có vị chát, ăn nhiều sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày. Nếu những khối kết tụ này không xuống được ruột non thông qua môn vị, nó lưu lại trong dạ dày khiến bệnh trầm trọng hơn.
Người bị tắc ruột
Người có tiền sử bị tắc ruột nếu ăn nhiều hồng quá có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn tới tử vong.
Người bị tiêu chảy
Quả hồng có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt khứ táo, có hại cho người bị tiêu chảy.
Người bị tiểu đường
Quả hồng có vị ngọt, chứa nhiều đường, nếu ăn nhiều ăn rất dễ bị hấp thụ, khiến đường huyết tăng lên. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là những người kém kiểm soát đường huyết là vô cùng có hại.
Người bị cảm lạnh
Quả hồng có tính hàn, không phù hợp với người bị cảm lạnh và suy nhược cơ thể.
Người thiếu máu
Hàm lượng tanin cao có thể gây ức chế quá trình hấp thu sắt của cơ thể nên người thiếu máu không được ăn hồng ngâm.
Người cao tuổi
Người già có đường tiêu hóa kém, thường xuyên bị táo bón nên người cao tuổi ăn dễ bị tắc ruột do khối bã kết tủa.
Người đang đói
Không nên ăn quá nhiều hồng lúc đói hoặc ăn chung với thực phẩm có nhiều chất đạm. Tránh nuốt trực tiếp các thức ăn cứng, dai vì có thể tạo thành nhân cho các thực phẩm khác kết dính vào.