Theo quy định của pháp luật, tạm giam là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để đảm bảo thi hành án.
Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Bộ Công an |
Sáng 18/9, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đoàn Luật sư TP.HCM), bào chữa cho bị can Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết gia đình ông Chung đang làm thủ tục để xin cho ông này được áp dụng biện pháp cho tại ngoại để điều trị bệnh ung thư.
Theo luật sư Nghĩa, đối với nguyện vọng của ông Nguyễn Đức Chung và gia đình, các cơ quan tố tụng sẽ xem xét, quyết định cho tại ngoại hay không là căn cứ theo nhu cầu tố tụng.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã bị khởi tố, bắt tạm giam vào chiều 28/8. Cơ quan tố tụng thi hành lệnh khi ông Chung đến làm việc tại cơ quan An ninh điều tra.
Liên quan đến vụ việc, nhiều độc giả nêu thắc mắc, việc tạm giam được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?
Trả lời PV Đời sống & Pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật thì khi bị khởi tố bị can thì cơ quan tố tụng sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án cũng có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam chuyển sang cấm đi khỏi nơi cư trú. Việc thay đổi biện pháp ngăn chặn phải trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường, đoàn luật sư TP.Hà Nội. |
Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Tạm giam là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để đảm bảo thi hành án.
Các đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam được quy định tại Điều 119 BLTTHS 2015.
Theo luật sư Cường, những trường hợp đặc biệt không bị tạm giam theo quy định của pháp luật là các bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp: Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; Tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này; Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Thẩm quyền ra lệnh, quyết định tạm giam theo khoản 5 Điều 119 và Khoản 1 Điều 113 BLTTHS 2015.
Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, theo quy định hiện hành, trường hợp nào tạm giam, trường hợp nào cấm đi khỏi nơi cư trú, thẩm quyền, thủ tục, điều kiện thay đổi đã được bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định rất rõ ràng.
Theo đó bị can, bị cáo có quyền đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác với biện pháp tạm giam. Tuy nhiên yêu cầu đó có được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận hay không thì phải căn cứ vào quy định pháp luật và phải dựa trên tính chất của vụ án.
Ông Chung hiện bị khởi tố về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Trước đó, ngày 11/8, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật. Cùng ngày 11/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 1223/QĐ-TTg tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung. |
Thủy Tiên