Bé trai bị bắt cóc được giải cứu an toàn
Liên quan đến vụ bắt cóc bé trai đòi 15 tỷ tiền ở Hà Nội, ngày 16/8, Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Đức Trung (SN 1992; trú ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, cựu cán bộ CSGT Vĩnh Phúc) về hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, VOV đưa tin.
Cơ quan chức năng đã xác định Nguyễn Đức Trung là thủ phạm gây ra vụ bắt cóc cháu N.T.P (SN 2016; ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) và đòi gia đình cháu bé 15 tỷ tiền chuộc.
Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận, do vay nợ tiền của nhiều người, không có khả năng chi trả nên nảy sinh ý định đi trộm cắp tài sản của các nhà dân sinh sống ở các khu đô thị cao cấp tại Hà Nội.
Sau vụ việc, anh Nguyễn Xuân Chiến - bố bé P. (tên gọi ở nhà là Ken, 7 tuổi, nạn nhân) chia sẻ trên Tiền phong, sau khi đưa con về, anh được con trai kể lại thời điểm mới bắt cóc lên xe đã bị đối tượng gí súng dọa bắn nếu kêu khóc. Khi di chuyển trên đường, đối tượng cũng nhiều lần dùng băng dính dán miệng để cháu không gào khóc…
"Đối tượng cũng nhiều lần cho nước uống, bánh mỳ nhưng con trai anh nói không dám ăn vì sợ có thuốc độc, chỉ uống chung chai nước với đối tượng vì nghĩ bản thân đối tượng uống được thì chắc chắn không có độc", anh Chiến kể lại và cho biết, dù trải qua một đêm "tồi tệ" nhưng tâm trạng của cháu đã ổn định, không còn biểu hiện sợ hãi…
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an Hà Nội (người chỉ huy cuộc giải cứu cháu P.) cũng dành lời khen cho cháu bé. Ông đánh giá, cháu đã được giáo dục tốt những kỹ năng nhất định, nhà trường, gia đình cần triển khai các hình thức giáo dục kỹ năng sống cho trẻ sớm nhất có thể.
Chuyên gia tội phạm học chỉ cách ứng phó với tội phạm bắt cóc trẻ em
Liên quan đến vụ án, Tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định trên Dân trí, việc triển khai các biện pháp phòng ngừa là bước đi chủ động bảo vệ trẻ em khỏi nguồn nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ trẻ bị bắt cóc, đánh tráo.
Ngay khi phát hiện con em mình đã bị thất lạc, hay bị bắt cóc (qua thông tin đối tượng báo về đòi tiền chuộc), ông Hiếu khuyến cáo, gia đình nhất thiết phải trình báo với cơ quan công an gần nhất (kể cả trường hợp bị đối tượng dọa nạt, ngăn cản báo công an).
Kèm theo đơn trình báo, gia đình cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của trẻ bị bắt cóc, như họ tên, ảnh, đặc điểm ngoại hình, quần áo, độ tuổi của cháu bé; tên, số điện thoại của bố mẹ; thời gian, địa điểm trẻ bị bắt cóc...
Theo ông Hiếu, khi đối tượng gọi điện tới để đòi tiền chuộc, nên bí mật ghi âm lại cuộc gọi, lưu số máy gọi đến. Trong khi nói chuyện, cần tỏ ra sợ hãi và ngoan ngoãn chấp hành mọi yêu cầu của đối tượng và "xin" chúng đừng làm hại đứa trẻ.
Sau đó, gia đình nạn nhân cần hợp tác chặt chẽ với Công an, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng phá án.
Vị chuyên gia tội phạm học cũng thông tin thêm trên Tiền phong, gia đình cũng có thể cho trẻ tham gia tập luyện võ thuật, vừa rèn luyện sức khỏe, nhanh nhẹn, có đủ tự tin để bình tĩnh ứng phó trong các tình huống nguy hiểm.
Trong trường hợp khi bị bắt kéo đi mà việc la hét không có kết quả, trẻ hãy giả bộ ngoan ngoãn, bất ngờ xỉa tay vào mắt, đá vào hạ bộ, vào cẳng chân của đối tượng bắt cóc rồi bỏ chạy, kêu cứu. Nếu thấy có người, cần hét thật to để gây sự chú ý, như: “bắt cóc trẻ con, cứu cháu với” hoặc "các người không phải là bố mẹ tôi".
XEM THÊM:
Khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối tượng bắt cóc bé trai đòi 15 tỷ tiền ở Hà Nội
Phó Giám đốc Công an Hà Nội xác nhận nghi phạm bắt cóc bé trai 7 tuổi là công an
Đối với trẻ trong độ tuổi học tiểu học, THCS, bắt đầu tham gia các hoạt động của trường lớp, cộng đồng, như đi dã ngoại, vệ sinh môi trường khu dân cư, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử…, cần dạy trẻ biết tuân theo các quy định của người phụ trách. Tuyệt đối không tách đoàn, dễ bị lạc, bị bỏ rơi dẫn đến nguy cơ bị bắt cóc.
Việt Hương (T/h)