Tu viện 1.300 năm tuổi trên sa mạc ở Syria mới đây đã mở cửa đón khách trở lại sau hơn một thập kỷ chiến tranh và cô lập. Chia sẻ về sự kiện này, Cha Jihad Youssef chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn được đón mọi người trở lại. Chúng tôi muốn được thấy họ cầu nguyện và suy niệm với chúng tôi, để có họ có thể tìm thấy một không gian tĩnh tâm, tĩnh lặng và chiêm nghiệm".
Hồi năm 2010, hơn 30.000 người đã đến thăm Deir Mar Moussa Al Habashi (Thánh Moses người Ethiopia), một tu viện có từ thế kỷ thứ 7 nằm trên đỉnh một ngọn đồi đá cằn cỗi, cách thủ đô Damascus khoảng 100 km về phía Bắc.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của cuộc chiến năm 2011 và sự biến mất của Cha Paolo Dall'Oglio, người đã lãnh đạo và hồi sinh cộng đồng từ năm 1982, đã khiến tu viện này bị đóng cửa trong hơn một thập kỷ.
Hiện nay, khi an ninh được cải thiện ở các khu vực lân cận, tu viện 1.300 năm tuổi đã mở cửa trở lại cho du khách trong tháng này.
Để đến được tu viện này, du khách sẽ phải leo 300 bậc thang để đến được tòa nhà bằng đá, được xây dựng trên tàn tích của một tòa tháp La Mã và một phần được chạm khắc vào đá. Nơi đây có một nhà thờ từ thế kỷ 11, được trạm khác với các biểu tượng, những bức tranh tường cổ và chữ viết bằng tiếng Ả Rập, Syriac và Hy Lạp với nội dung: "Chúa là tình yêu" và "nhân danh Chúa, Đấng từ bi, nhân từ". Đây là cụm từ được người Hồi giáo sử dụng để ca ngợi Chúa.
Cha Dall'Oglio từng tổ chức các cuộc hội thảo liên tôn tại tu viện, nơi người thiểu số Cơ đốc giáo và người Hồi giáo thường cầu nguyện cùng nhau. Chính điều này đã khiến tu viện trở thành biểu tượng của sự chung sống giữa các tôn giáo, thu hút du khách và những người thờ phượng trong ba thập kỷ.
Tuy nhiên, ông Dall'Oglio đã bị trục xuất khỏi Syria vào năm 2012 vì ủng hộ một cuộc nổi dậy chống chính phủ hàng loạt. Ông biến mất vào mùa hè năm 2013, trên đường đến trụ sở của một nhóm, sau này được gọi là Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Tự xưng (IS) ở thành phố Raqqa. Ông đã đến đây để cầu xin thả những nhà hoạt động bị bắt cóc.
Việc chung sống giữa các tôn giáo của ông Dall'Oglio trái ngược với chủ nghĩa cực đoan giết người không khoan nhượng của IS. Theo đó, nhiều người cho rằng ông đã bị hành quyết và thi thể ông đã bị ném đi. Tuy nhiên, đến nay, chưa có thông tin xác nhận cái chết của vị linh mục.
Cha Youssef nói rằng IS "rất có thể đã bắt cóc ông", mặc dù không ai liên lạc với tu viện để đòi tiền chuộc. Ông chia sẻ: "Chúng tôi không biết chắc chắn liệu ông ấy còn sống hay đã chết".
Năm 2015, tu viện đã hứng chịu "làn đạn" của IS sau khi các phần tử cực đoan bắt đầu kiểm soát vùng nông thôn Homs gần đó.
Cha Youssef kể lại: "Chúng tôi sợ rằng mình sẽ bị bắt cóc hoặc bị giết bất cứ lúc nào, đặc biệt là sau khi IS tiến đến ngôi làng Al Qaryatain gần đó và bắt cóc các nhóm Kitô".
IS đã bắt cóc cựu tu viện trưởng Jacques Mourad từ Al Qaryatain và giam giữ ông trong vài tháng hồi năm 2015.
Nhóm này cũng đã san bằng một tu viện ở ngôi làng gần đó và nhốt hàng trăm người theo Cơ đốc giáo trong ngục tối. Sau đó, những đã được trả tự do nhưng vụ việc đã khiến một cộng đồng Cơ đốc giáo từng lên tới hàng trăm người ở Al Qaryatain giờ giảm xuống còn dưới 20 người.
Minh Hạnh (Theo AFP)