Tất cả những ai trải qua một ca trực đêm tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội đều phải đồng ý với nhau rằng nghề Y chứa đựng rất nhiều rủi ro và nguy hiểm.
[mecloud]wEAbAcc9AR[/mecloud]
Trong những tình huống khẩn cấp, việc các bác sĩ phải tiến hành ca mổ dù bệnh nhân chưa được thực hiện các xét nghiệm cần thiết không phải là điều quá hiếm tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Bởi chỉ chậm trễ một phút , bệnh nhân có thể sẽ tử vong.
Sự việc 18 y, bác sĩ tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm HIV từ chính bệnh nhân là minh chứng rõ ràng nhất cho sự rủi ro và nguy hiểm của nghề Y.
Dẫu biết rủi ro và nguy hiểm song những ca trực vẫn liên tục 24/24 tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội và 18 y, bác sĩ vẫn tiếp tục công việc của mình. Chọn nghề thầy thuốc, họ luôn sẵn sàng tâm lý cho những tình huống bất ngờ như vậy.
Như tin tức đã đưa, sau ca cấp cứu, phẫu thuật cho một bệnh nhân nữ, 18 y, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm HIV từ bệnh nhân.
Về việc liệu 18 nhân viên y tế đang bị phơi nhiễm này có thể bị nhiễm HIV hay không?, ông Bùi Đức Dương, trao đổi trên VTV, Cục phó Cục Phòng chống HIV, Bộ Y tế cho biết: “Trong thời điểm này, chúng ta chưa thể khẳng định có khả năng nhiễm hay không nhiễm HIV ở 18 nhân viên y tế. Sau khi biết tình trạng HIV của bệnh nhân, 18 y, bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm và tất cả đều âm tính. 18 trường hợp này hiện vẫn uống thuốc dự phòng".
Trong gần 1 tuần qua, 18 cán bộ y tế này vẫn làm việc bình thường, tiếp xúc với các bệnh nhân và xử lý rất nhiều tình huống. Liệu có khả năng có những người khác nữa bị lây nhiễm từ họ?
Cũng theo ông Bùi Đức Dương: "Còn quá sớm để nói về tình trạng này vì thời gian quá ngắn. Thời gian này chưa đủ để Virus nhân lên và phát triển trong cơ thể. Mặt khác các bác sĩ này đã được điều trị dự phòng sớm nên nếu có Virus trong cơ thể thì Virus sẽ phát triển chậm. Vì vậy để lây sang người khác rất khó".
[mecloud]Ri5UoRTI5S[/mecloud]
Như báo Đời sống & Pháp luật đã đưa tin, TS - BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội cho biết, 18 y, bác sĩ này đã tham gia cấp cứu, phẫu thuật cho một bệnh nhân N.T.H (ở Quảng Ninh), nhập viện trong trình trạng nguy kịch hôm 5/7.
BS. Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa đẻ, người trực tiếp phẫu thuật ca bệnh kể lại, tình trạng bệnh nhân H. khi đưa vào phòng cấp cứu rất nguy kịch: thở ngáp cá, da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập.
"Lúc đó, chúng tôi không còn đủ thời gian để chần chừ, để mặc thêm những bộ áo và đeo kính phòng vệ cho bản thân hay đưa bệnh nhân lên phòng phẫu thuật. Nếu chỉ chậm 1, 2 phút, bệnh nhân sẽ không qua khỏi”, BS. Khải nói.
Bệnh nhân được ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức cấp cứu ngay tại phòng khám, không kịp di chuyển vào phòng phẫu thuật. Sau khi cấp cứu và có dấu hiệu của sự sống, tim đập trở lại, nhưng máu tiếp tục phun nên các bác sĩ phẫu thuật phải tiến hành cắt toàn bộ tử cung để cầm máu. Do không đủ thời gian để đưa vào phòng phẫu thuật nên 18 y, bác sĩ và phẫu thuật viên được huy động bất chợt xuống phòng khám cấp cứu.
BS Khải cho biết thêm, quá trình phẫu thuật diễn ra rất nhanh, sau phẫu thuật, kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân mới có. Bệnh nhân bị nhiễm HIV.
Được biết, bệnh nhân bị nhiễm vi rút HIV sau khi lấy chồng. Chồng chị đã mất cách đây 11 năm cũng vì căn bệnh này.
Ngay sau đó các y bác sĩ đã được cấp thuốc kháng vi rút và lấy mẫu máu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, 18/18 y, bác sĩ đều âm tính với HIV. Trong số đó, có 3 nữ y, bác sĩ đang mang bầu.
MINH SANG (Tổng hợp)