Luật sư Võ Đan Mạch, Công ty Luật TNHH MTV TA PHA, đoàn Luật sư TP.HCM tư vấn:
Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 4, Thông tư 25/2013 của Ngân hàng Nhà nước, tiền giấy bị rách một phần, tiền được can dán (do quá trình bảo quản) được xem là tiền rách nát, hư hỏng thuộc nhóm nguyên nhân chủ quan, không đủ điều kiện lưu thông.
Tại khoản 2, Điều 6 của thông tư này, đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông do quá trình bảo quản (nguyên nhân chủ quan), khách hàng nộp hiện vật cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi.
Các đơn vị nhận và xét đổi theo các điều kiện sau: tiền rách nát, hư hỏng không phải do hành vi hủy hoại; trường hợp tờ tiền bị rách mất một phần thì diện tích còn lại phải bằng hoặc lớn hơn 60% so với diện tích tờ tiền cùng loại; nếu được can dán thì phải có diện tích tối thiểu bằng 90% so với diện tích tờ tiền cùng loại và đảm bảo nguyên gốc, nguyên bố cục một tờ tiền...
Với những tờ tiền bị rách khoảng 1/3 - tức là diện tích còn lại là 2/3 (lớn hơn 60% so với diện tích tờ tiền cùng loại); đồng thời việc bị rách không phải do hành vi hủy hoại nên đủ điều kiện được đổi.
Trường hợp không đủ điều kiện được đổi, ngân hàng sẽ trả tiền lại cho anh và thông báo lý do.
Ngoài ra, nếu các tờ tiền chưa xác định được điều kiện đổi và cần giám định, anh cần có giấy đề nghị đổi tiền theo Phụ lục 01 đính kèm Thông tư 25.
Thủ tục đổi tiền rách tại các ngân hàng
+ Giấy đề nghỉ đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, mẫu do ngân hàng cung cấp.
Khách hàng cần điền đầy đủ và chính xác các thông tin bao gồm: Tên, CMND, số điện thoại, địa chỉ, số lượng tiền đổi, nguyên nhân rách, hư hỏng. Sau đó nộp cho nhân viên ngân hàng.
+ Bản sao CMND hoặc thẻ CCCD còn giá trị.
Quy trình đổi tiền rách tại ngân hàng
Khi có nhu cầu, khách hàng mang tiền rách, hư hỏng, không đạt tiêu chuẩn tới các chi nhánh ngân hàng gần nhất. Sau đó, đăng ký quy đổi tiền rách, hư hỏng sang tiền mới.
Việt Hương (T/h)