Là thuốc giúp giảm đau và hạ sốt được sử dụng rất phổ biến, Paracetamol đã gây ra không ít ca ngộ độc do thói quen tự ý dùng của nhiều người.
Người lao động đưa tin, mới đây, các bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa cứu thành công một bệnh nhân nữ bị ngộ độc Paracetamol.
Bệnh nhân là chị T.M.Y. (34 tuổi) ở TP.Hạ Long, Quảng Ninh được người nhà đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng ý thức lơ mơ, tiếp xúc chậm, hành vi bất thường, mất định hướng, da, củng mạc mắt vàng đậm.
Gia đình cho hay chị Y. bị cảm cúm, tự mua và uống thuốc hạ sốt Paracetamol ở nhà, sau 3 ngày xuất hiện tình trạng trên.
Kết quả xét nghiệm máu các chỉ số cho thấy bị rối loạn nghiêm trọng. Bệnh nhân được chẩn đoán bị suy gan cấp do ngộ độc Paracetamol, tình trạng rất nguy kịch, có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Bệnh nhân ngộ độc Paracetamol đang dần hồi phục sau 3 ngày điều trị tích cực. Ảnh: Người lao động |
Tuy nhiên, sau 3 ngày được các bác sĩ điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã tiến triển tốt, hết vàng da, vàng mắt, sức khỏe ổn định hơn.
Bác sĩ cho biết, thuốc có chứa Paracetamol (dược chất Acetaminophen) là một loại thuốc hạ sốt, giảm đau được dùng khá phổ biến do dễ mua và dễ sử dụng. Vì vậy, tình trạng ngộ độc Paracetamol ngày càng có xu hướng tăng lên.
Theo Báo Cần Thơ, bác sĩ chuyên khoa II Đặng Ngọc Thuyết, Chủ nhiệm khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, bệnh viện Quân Y 121 (Cần Thơ) cho hay, bệnh nhân bị ngộ độc có thể do cố tình uống (tự tử) hoặc do uống nhầm thuốc hoặc tự ý tăng liều dùng như uống 1 liều không bớt sốt, bớt đau thì tự ý uống thêm liều hoặc uống thêm 1 loại thuốc giảm đau khác mà không biết rằng trong các loại thuốc này lại có chứa hoạt chất paracetamol.
Hoạt chất paracetamol có mặt trong nhiều loại thuốc trị cảm cúm, hô hấp, đau răng, nhức đầu... phổ biến ở Việt Nam như: Panadol, Efferalgan, Alaxan, Ultracet, Rhumenol, Ameflu... Vì thế khi sử dụng thuốc, cần đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng, thành phần thuốc, liều dùng, nhưng tốt nhất vẫn phải theo chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh không nên tự ý dùng Paracetamol nếu không có chỉ định của bác sĩ. |
Các trường hợp cơ địa bị suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai, đang điều trị lao, viêm gan mạn tính, nghiện rượu, tiền căn dị ứng thuốc... dù uống liều khuyến cáo vẫn có thể bị ngộ độc. Ở người không có các bệnh lý nền trên, liều gây ngộ độc thường gấp 10 lần liều được khuyến cáo.
Sau khi uống thuốc có chứa paracetamol mà xuất hiện buồn nôn, nôn thì nên cảnh giác, nhập viện điều trị sớm. Đặc biệt, trong 8 giờ đầu sau khi uống thuốc, hiệu quả điều trị là rất cao.
Ngộ độc Paracetamol nhẹ thì tổn thương viêm gan, nhưng nặng có thể gây suy gan cấp, thậm chí là tử vong. Do đó người bệnh khi sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau, hạ sốt nào cũng nên tham khảo tư vấn của bác sĩ điều trị, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc.
Minh Khôi (T/h)