+Aa-
    Zalo

    Tử tù xin hiến tạng cho y học: Luật không cấm nhưng khó thực hiện

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo chuyên gia pháp lý, luật không cấm tử tù hiến tạng nhưng nếu thi hành án tử hình được thực hiện bằng hình thức tiêm thuốc độc thì việc hiến tạng khó được thực thi.

    Theo các chuyên gia pháp lý, luật không cấm tử tù hiến tạng cho y học. Tuy nhiên, nếu thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc như hiện nay thì việc hiến tạng khó thực hiện được.

    Ngày 9/7, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê tỉnh An Giang) mức án tử hình về tội giết người, 8 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

    Trong lời nói sau cùng tại tòa, khi được nói lời sau cùng, Nguyễn Hữu Tình xin lỗi gia đình bị hại vì hành động thiếu suy nghĩ mà gây hậu quả lớn và xin pháp luật cho bị cáo được hiến xác cho y học để được cảm thấy thanh thản.

    Đây không phải lần đầu người bị kết án tử hình xin được hiến xác cho y học. Trước đó, tử tù Nguyễn Hải Dương - thủ phạm gây ra vụ thảm án 6 người trong gia đình ở Bình Phước cũng từng có nguyện vọng được hiến xác nhưng không được cơ quan chức năng chấp nhận.

    Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Đức Trí – Giám đốc hãng luật Roma cho hay, mọi công dân đều có quyền hiến tạng. Trong trường hợp này, bị cáo Tình bị tước đi quyền sống và một số quyền thôi chứ không tước đi quyền hiến tạng.

    Nguyễn Hữu Tình khi nói lời sau cùng - Ảnh: Tri thức trực tuyến

    Luật sư Trí dẫn khoản 3, Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật”. Điều 5 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 cũng quy định “người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.

    Theo Điều 59, luật Thi hành án hình sự năm 2010 quy định, hình thức và trình tự thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định. Nếu tiêm thuốc độc rồi thì việc hiến tạng sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được vì tạng đã bị nhiễm độc.

    Khi bị tiêm thuốc độc, có thể cơ thể của người đó sẽ không được đảm bảo để hiến tạng, hiến xác nữa và như vậy quyền này của tử tù sẽ khó được thực hiện.

    Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng luật không cấm tử tù hiến xác cho y học. Tuy nhiên, nếu thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc như hiện nay thì việc hiến tạng khó thực hiện được.

    Vì muốn hiến tạng, hiến xác thì phải là một cơ thể "sạch", phải đảm bảo được các điều kiện khoa học nhất định. Còn khi đã tiêm thuốc độc vào người thì các bộ phận không đảm bảo để hiến tạng, hiến xác nữa.

    Bên cạnh đó, mục đích của việc thi hành án tử hình là nhằm trừng trị tội ác mà tử tù đã gây ra. Luật thi hành án hình sự chỉ quy định 1 phương thức tử hình đó là tiêm thuốc độc. Do đó, tử tù không thể hiến tạng trước khi tiêm thuốc độc.

    Luật sư Tuấn cho rằng hiến tạng là một ước nguyện mang tính nhân văn, thể hiện sự sám hối, sự hướng thiện của con người trước khi chết nên cần có cơ chế pháp lý tạo điều kiện cho tử tù được thực hiện ước nguyện.

    Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc ngân hàng Mắt (bệnh viện Mắt Trung ương) - người trực tiếp thực hiện rất nhiều ca lấy giác mạc, cho hay, giác mạc chỉ lấy sau khi người hiến đã qua đời.

    "Từ trước tới nay chưa có trường hợp nào lấy được tạng của tử tù. Với tử tù tiêm thuốc độc, cũng giống như bệnh nhân bị rắn cắn hay bệnh dại, giác mạc không thể dùng được", ông Hoàng nói.

    Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Giám đốc trung tâm Điều phối và ghép tạng Quốc gia cũng trao đổi, theo quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đơn hiến xác, hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết được hiến xác, hiến mô, tạng.

    "Quy định của luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác là như thế. Vậy, tử tù có phải là người có đủ năng lực hành vi dân sự hay không?

    Hiện nay, luật liên quan tới tử hình là tiêm thuốc độc. Về mặt y tế, một người tiêm thuốc độc rồi chắc chắn nguồn nội tạng sẽ không thể tiếp nhận và sử dụng được.

    Trong trường hợp đó, có người cho rằng, chúng ta có thể lấy tạng trước khi tử hình, trước khi tiêm thuốc độc. Nếu như vậy phải sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan, thay đổi hình thức tử hình có liên quan", ông Phúc chia sẻ.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-tu-xin-hien-tang-cho-y-hoc-luat-khong-cam-nhung-kho-thuc-hien-a235935.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan