Thầy giáo Trịnh Quỳnh đã có những chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về quan điểm “có nên nói hết đời tư cá nhân của mình cho thiên hạ?”.
Có thể nói, những ngày qua, cuốn tự truyện “Phút 89” của Lê Công Vinh đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, tranh luận trái chiều từ dư luận. Bởi, trong cuốn tự truyện này, Lê Công Vinh đã tiết lộ những điều không hay trong giới bóng đá như việc “ăn tiền” hay việc các cầu thủ lớn tuổi không ưa đàn em…
Tự truyện "Phút 89" của Lê Công Vinh gây ra nhiều luồng tranh cãi những ngày qua.
Từ những gì mà Lê Công Vinh mô tả trong cuốn tự truyện, không ít người đã đặt ra câu hỏi: “Có nên nói hết đời tư của mình cho thiên hạ?”.
Trước câu hỏi này, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với thầy giáo Trịnh Quỳnh (tốt nghiệp bằng giỏi Sư phạm Ngữ Văn thuộc Khoa Văn học của Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), là một thầy giáo dạy Văn trẻ được rất nhiều học trò yêu quý.
Thầy giáo Trịnh Quỳnh cho biết, anh chưa đọc cuốn tự truyện của Lê Công Vinh. Vì thế, anh không bàn sâu về cuốn tự truyện gây tranh cãi nói trên. Tuy nhiên, là một người yêu thích Văn học nên thầy Trịnh Quỳnh phân tích đôi chút về mục đích, ý nghĩa của tự truyện.
Thầy Trịnh Quỳnh nói: “Bản thân tự truyện lấy điểm nhìn của chính tác giả nên quan điểm, cách đánh giá các sự việc chỉ là phiến diện, một phần của sự thật. Còn những góc khuất được tác giả nói về người khác trong tự truyện thái quá, sẽ dễ khiến cho người được nhắc đến bức xúc, gây tranh cãi trong dư luận.
Đời tư của người nổi tiếng vốn thu hút sự chú ý của dư luận. Nhưng, phơi bày đời tư không mấy tốt đẹp của bản thân, nói xấu người khác… vô tình làm hình ảnh của mình trở nên xấu xí, làm người ngoài cuộc có cái nhìn không mấy tốt đẹp với ngành nghề của bản thân.
Thầy Trịnh Quỳnh bày tỏ quan điểm về việc viết tự truyện.
Mục đích của nhiều tự truyện là nâng bản thân lên và hạ bệ người khác xuống, chứ không có mục đích tốt đẹp như đóng góp xây dựng, hay đơn giản để chia sẻ, tâm sự và thấu hiểu.
Bản thân tự truyện giống một dạng ký văn học vừa đảm bảo các yếu tố sự thật vừa có tính nghệ thuật. Vì thế, phải đảm bảo tính đúng đắn của sự thật, vừa định hướng thẩm mỹ, nâng cao nhận thức và nhất là truyền cảm hứng đến người đọc”.
Thầy giáo Trịnh Quỳnh chia sẻ: “Tôi không thích xen vào đời tư người khác, cũng không thích bàn luận những câu chuyện không chắc chắn là sự thật, hoặc quan điểm đánh giá sự việc của mỗi người là khác nhau. Đặc biệt, tôi không thích việc lấy chuyện bôi xấu người khác làm lợi ích cho mình”, thầy Trịnh Quỳnh nói thêm.
Thanh Lam (Theo Người Đưa Tin)