Thời gian gần đây, có không ít vụ việc các em học sinh viết thư tuyệt mệnh rồi nhảy cầu tự vẫn. Tình hình này khiến không ít bậc cha mẹ lo lắng, hoang mang không biết nên xử trí làm sao để phát hiện sớm tình trạng này.
Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Lê Thảo (TP.HCM) chia sẻ, nguyên nhân các em học sinh có ý định tự tử phần lớn là từ những áp lực trong cuộc sống. “Chẳng hạn như chương trình học quá nặng, bài tập quá nhiều các con cảm thấy mệt mỏi, chưa kể bị bố mẹ la mắng hàng ngày… Số khác là vì gia đình không hạnh phúc (bố mẹ thường xuyên cãi nhau, bố mẹ ly hôn) cũng khiến các em mất niềm tin vào cuộc sống. Những đứa trẻ này thường cảm thấy cuộc sống vô nghĩa, nặng nề nên chúng muốn giải thoát mình khỏi cuộc sống áp lực. Số khác thì cho rằng: “Chết là hết”, “Chết là thanh thản”, “Chết để bố mẹ hối hận”,… Chuyên gia Lê Thảo nhận định.
Cha mẹ tuyệt đối không được cãi nhau trước mặt con trẻ- Ảnh minh hoạ. |
Vị chuyên gia tiết lộ, chị từng tư vấn cho một trường hợp trẻ có ý định tự tử. Một em học sinh kể, em rất chán nản vì bố mẹ ly hôn, em thường xuyên bị bạn bè trêu chọc “đứa không cha”, đôi lần, em còn bị bạn bè cô lập, ném chai nước vào đầu. Những khi đó, em chỉ biết khóc mà thôi. Và rồi một ngày, sau khi bị nhóm bạn đó ném chai nước vào người, em đã có ý định tự tử. Em đã chuẩn bị sẵn một lá thư cho mẹ và những lời chào tạm biệt cô giáo.
“Tôi để ý và phá hiện em có dấu hiệu của một đứa trẻ bị trầm cảm. Em sống thu mình và không hoà nhập với bạn bè, em thường xuyên rơi nước mắt khi học những bài viết về hạnh phúc gia đình… Tôi mạnh dạn trò chuyện với em và được nghe những chia sẻ chân thành, em giấu kín bao lâu nay. Sau đó, tôi đã đưa em đến một nơi mà tôi thường xuyên lui tới. Một quán cà phê nơi có những đứa trẻ “khiếm khuyết” chúng sống vui vẻ, hoà đồng. Điều đáng lưu ý nhất, những đứa trẻ đó không có cha mẹ, chúng là trẻ mồ côi, còn mang dị tật bẩm sinh, nhưng chúng có nghị lực sống vô cùng kiên cường. Kết thúc buổi gặp gỡ hôm đó, tôi nói với em: “Con người chỉ sống có một lần. Hãy sống mạnh mẽ, kiên cường và không bao giờ bỏ cuộc. Tìm đến cái chết là thất bại”, vị chuyên gia kể lại.
Cũng theo chuyên gia Lê Thảo, từ hôm đó, đứa trẻ đã sống khác đi. Em vui vẻ hoà đồng và tràn đầy năng lượng.
Còn chuyên gia tâm lý Trần Ly (Vũng Tàu) cho rằng, những đứa trẻ có ý định tự vẫn thường có biểu hiện mệt mỏi, chán chường, chúng sống thu mình và không muốn giao tiếp với bất kỳ ai. “Chưa kể, chúng bỏ bữa thường xuyên, căng thẳng trong các mối quan hệ. Thậm chí, có đứa trẻ còn nói lên những lời tiêu cực, hành hạ bản thân không biết đến đau đớn (đập đầu vào tường, rạch tay chân…). Vì thế, phụ huynh cần quan tâm, chú ý nhận biết từng sự thay đổi để có can thiệp kịp thời nhất”, chuyên gia Trần Ly cho hay.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Tình (Hà Nội), khi biết con có ý định tự tử cha mẹ cần ngăn chặn kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc. “Bố mẹ không nên quát mắng, chỉ trích con ngu ngốc. Hãy nói chuyện cởi mở, chân thành để con hiểu bố mẹ luôn yêu thương và sẵn sàng đồng hành cùng con trong mọi tình huống. Nên nói: “Bố/mẹ rất yêu và cần con bên cạnh”.
Khi con bình tâm lại, cha mẹ có thể cùng con đi chơi, đi du lịch đâu đó để con giảm bớt căng thẳng. Cùng với đó, nên lựa thời điểm hỏi con lý do vì sao con tuyệt vọng. Hãy đưa ra phương án: “Bố mẹ có thể giúp con đó. Những điều tốt đẹp đang chờ con phía trước”. Nếu con chán nản việc học hành, hãy xin lỗi vì đã không hiểu cho con: “Bố mẹ rất vui, hài lòng vì con đã nỗ lực. Mọi thứ cần thời gian con à”.
Song song với đó, cha mẹ cũng nên rút kinh nghiệm không nên quá tạo áp lực cho đứa trẻ. Đừng để bệnh thành tích khiến bạn trở thành cha mẹ ích kỷ”, chuyên gia Phạm Tình lý giải.
Hơn ai hết, chuyên gia Phạm Tình cho rằng, để con không rơi vào tâm lý tiêu cực, cha mẹ hãy bỏ điện thoại xuống và đồng hành cùng con. “Xã hội càng phát triển, con người bị cuốn vào guồng quay của công nghệ, đồng tiền nên thời gian họ dành cho con cái đang bị “bớt xén” theo từng ngày. Bởi thế ngày càng nhiều đứa trẻ cô đơn, chúng không được quan tâm, yêu thương đúng nghĩa. Vì thế, cha mẹ hãy dành nhiều thời gian trò chuyện, thấu hiểu cho con hơn nữa”, vị chuyên gia khuyến cáo.
PHƯƠNG ANH