(ĐSPL) – Liên tiếp những vụ tai nạn đuối nước mà nguyên nhân là các em không được dạy bơi trong cộng đồng, trong chương trình giáo dục toàn diện ở nhà trường.
Gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước thương tâm của các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hàng năm có tới 6.000 trẻ em chết vì tai nạn đuối nước, chỉ sau tai nạn giao thông. Một con số làm nhức lòng các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo và các nhà quản lý.
Trước đó, Khoảng 16h ngày 17/4, sau khi học xong, một nhóm học sinh Trường THCS xã Kim Lương huyện Kim Thành, Hải Dương đã rủ nhau ra tắm ở cửa Cống Vùng (sông Kinh Môn). Không may hai em Vũ Thành Chung (sinh năm 2002, học sinh lớp 6A) và em Đoàn Trung Hiếu (sinh năm 2000, học sinh lớp 8) đã bị chết đuối.
Ngày 13/4, một nhóm học sinh của Trường THCS Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tổ chức đi dã ngoại ở khu vực hồ thủy lợi Rào Đá thuộc xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Trong lúc cả nhóm đang tắm ở hồ không may, 2 em Nguyễn Thế Huy và em Võ Quang Hùng (đều SN 2001), cùng trú tại xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, trượt chân xuống vực sâu và chết đuối.
Nhiều vụ việc của các em học sinh đã khiến nhà trường và bậc làm cha mẹ đau lòng, bởi các em còn quá nhỏ, tương lai còn đang sáng lạng. Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Lê Thị Loan, Phó trưởng khoa giáo dục – Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả các em bị đuối nước khi đi tắm sông, hồ, suối là các em không biết bơi và không biết làm thế nào để cứu bạn khi bạn bị đuối nước. Nguyên nhân sâu xa là các em không được dạy bơi trong cộng đồng, trong chương trình giáo dục toàn diện ở nhà trường.
|
Hiện trường vụ đuối nước thương tâmcủa một nhóm học sinh của Trường THCS Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
|
“Ngành giáo dục đã có dự án dạy bơi cho học sinh tiểu học, nhưng đang ở giai đoạn thí điểm, và tôi tin rằng khó có thể triển khai đại trà bởi liệu chúng ta có bao nhiêu trường phổ thông có bể bơi để cho các em tập bơi? Vậy chẳng nhẽ chúng ta cứ phó mặc cho thủy thần hàng ngày vẫn cướp đi sinh mạng của những đứa trẻ vô tội?”, Thạc sĩ Loan nêu quan điểm.
Theo Thạc sĩ Loan thì để hạn chế những tai nạn đuối nước đáng tiếc cho trẻ em khi mùa hè đang đến gần, các nhà quản lý, thầy cô giáo ở các trường phổ thông nên dạy những kỹ năng cơ bản để các em có thể phòng chống chống đuối nước thông qua các môn học như không tự ý đi tắm sông, suối khi không có người lớn, cách cấp cứu người đuối nước.
|
Hiện trường nơi xảy ra sự cố làm 7 học sinh bị nước cuốn trôi ở huyện Than Uyên, Lai Châu ngày 13/4 vừa qua.
|
“Chúng ta gia dạy bơi cho trẻ em trong hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nên huy động sự tham gia của cha mẹ học sinh, các cá nhân trong cộng đồng. Nơi tổ chức tập bơi là các khúc sông, hồ ao sạch ở địa phương như kinh nghiệm ở một số địa phương đã thực hiện. Bên cạnh đó, liên kết với các trung tâm huấn luyện thể dục thể thao ở các quận, huyện để tổ chức dạy bơi cho học sinh ở các bể bơi của trung tâm. Nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ để quản lý con em, đặc biệt là trong các cuộc tham quan, dã ngoại. Tuyệt đối không để các em đi tắm biển,sông, suối… mà không có người lớn đi cùng”, Thạc sĩ Loan nói.
Học kỳ "quân đội" cũng là lớp học rèn kỹ năng sống, giúp các em rèn luyện thể lực, có tinh thần tự giác, kỷ luật, có lòng yêu thương, biết ước mơ... Kế hoạch phòng chống thương tích cho trẻ em giai đoạn 2012- 2015 đã được 9 bộ, ngành, đoàn thể ký và cam kết.
Nhưng thời gian không còn nhiều mà nhiều nơi chưa triển khai rộng rãi bằng những việc làm cụ thể. Về lâu dài, các nhà trường cần đưa môn bơi lội vào chương trình giáo dục thể chất thường xuyên để xóa "mù bơi" cho học sinh. Nói điều này thì dễ, nhưng nhà trường cũng bất lực khi sân trường còn chật hẹp, huống chi bể bơi. nên dạy bơi cũng chỉ là lý thuyết.
Để con em có những ngày nghỉ hè an toàn, bổ ích, không chỉ nhà trường, gia đình quan tâm quản lý con em mà rất cần sự chăm sóc của cả cộng đồng. Nhưng để không có những cái chết thương tâm vì đuối nước ở trẻ, gia đình vẫn là nhân tố quan trọng nhất.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-nhung-vu-duoi-nuoc-cua-hoc-sinh-hay-day-tre-biet-boi-a30478.html