+Aa-
    Zalo

    Từ những vụ bảo mẫu hành hạ trẻ em, đến việc cấp phép: “Cháy nhà ra mặt chuột”?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Qua tìm hiểu, thì việc cấp phép thành lập cũng như cấp phép hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục hiện nay là khá dễ dãi.

    (ĐSPL) - Ngay giữa Thủ đô, một bé gái mới 17 tháng tuổi chỉ vì không chịu ăn đã bị bảo mẫu cơ sở mầm non Nụ Cười Xinh tát, lắc mạnh đầu, cùng những hành động vô cùng phản cảm được gia đình cháu bé đưa lên mạng khiến dư luận vô cùng bức xúc. PV báo ĐS&PL đã vào cuộc tìm hiểu vụ việc và sự thật làm mọi người không khỏi bất ngờ khi bảo mẫu hành hạ cháu bé chỉ là một nhân viên vệ sinh, mới học hết lớp 12!

    Nhân viên vệ sinh làm... bảo mẫu

    Vụ việc ba bảo mẫu trói chân tay, nhét giẻ vào miệng cháu bé mới 15 tháng tuổi xảy ra tại Quảng Bình chưa lắng xuống, thì mới đây nhiều phụ huynh không khỏi giật mình khi xem clip bé gái Ng.N.T.N., 17 tháng tuổi đang theo học tại cơ sở mầm non Nụ Cười Xinh (số 47 ngách 63/33 đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) bị bảo mẫu hành hạ. Đoạn clip được gia đình cháu N. đưa lên mạng xã hội vào tối 9/10 ghi lại cảnh một bé gái bị bảo mẫu dùng hai tay ghì chặt, lắc mạnh và tát vào đầu khiến cháu bé bị ngã ra phía sau.

    Hình ảnh cắt từ clip bé N. bị bảo mẫu Ngọc tát.

    Sáng 12/10, PV báo ĐS&PL đã đến cơ sở mầm non Nụ Cười Xinh để tìm hiểu sự việc. Trao đổi với PV, cô Nguyễn Minh Phương, phụ trách cơ sở này thẳng thắn thừa nhận: “Đúng là người tung clip bảo mẫu hành hạ bé gái 17 tháng tuổi là phụ huynh cháu Ng.N.T.N. đang theo học tại lớp mầm non tư thục Nụ Cười Xinh. Trước tiên, chúng tôi thành thật xin lỗi gia đình cháu N. khi để xảy ra việc đáng tiếc như vậy. Có thể nói những hành vi của bảo mẫu Mai Thị Ngọc khi cho bé N. ăn là hoàn toàn sai, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi đã tạm đình chỉ công việc đối với bảo mẫu này.

    Chủ cơ sở mầm non Nụ Cười Xinh thừa nhận, cô Mai Thị Ngọc (SN 1981) mới chỉ tốt nghiệp THPT. Công việc hàng ngày của cô Ngọc là vệ sinh cho các cháu, cũng như trợ giúp các cô giáo khi cho các cháu ăn.

    Cũng trong sáng 12/10, làm việc với PV báo ĐS&PL, ông Lê Văn Bình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) khẳng định: “Tôi đã xem clip bảo mẫu bạo hành bé gái 17 tháng tuổi vì ăn chậm được gia đình tung lên mạng xã hội. Ngay sau khi sự việc xảy ra, tôi đã chỉ đạo cán bộ xuống làm việc với cơ sở trông trẻ Nụ Cười Xinh và yêu cầu chủ cơ sở đình chỉ ngay đối với bảo mẫu Mai Thị Ngọc, người tát cháu bé trong clip. Cán bộ Phòng cùng với bà Nguyễn Minh Phương, chủ cơ sở Nụ Cười Xinh và đại diện UBND phường Mỹ Đình 2 đã đến thăm hỏi động viên gia đình cháu Ng.N.T.N.. Hiện, sức khỏe, tinh thần cháu N. ổn định, không có gì bất thường. Hành vi của bảo mẫu Mai Thị Ngọc vô cùng phản cảm, đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của ngành giáo dục. Quan điểm của Phòng là không chấp nhận những người như thế đảm nhận việc chăm sóc trẻ”.

    Thả nổi cơ sở giáo dục mầm non tư thục?

    Ông Lê Văn Bình cũng thừa nhận việc quản lý các cơ sở mầm non với số lượng lớn như hiện nay không tránh khỏi những sai sót, nếu chính quyền địa phương không thường xuyên kiểm tra sát sao. Trên địa bàn quận Nam Từ Liêm hiện có 40 trường mầm non cả công lập và tư thục. Ngoài ra, còn có 94 nhóm trông giữ trẻ tư thục, Nụ Cười Xinh nằm trong nhóm này. Nhóm trẻ thường chỉ có vài chục cháu lập lên theo nguyện vọng của người dân và được UBND phường quyết định thành lập. Trên cơ sở đó, phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ cấp phép hoạt động nếu đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhóm trông giữ trẻ Nụ Cười Xinh mới được Phòng cấp phép hoạt động từ ngày 25/8/2015.

    Theo quy định, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục như cơ sở Nụ Cười Xinh ngoài giấy phép thành lập của UBND phường phải có giấy phép hoạt động của phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, dù hoạt động từ năm 2012, nhưng mãi đến thời điểm vừa rồi cơ sở này mới hoàn tất thủ tục. Được biết, cô Ngọc làm việc tại cơ sở này đã gần 4 năm, nhưng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm lại không hề biết cô Ngọc là ai. Ông Lê Văn Bình khẳng định: “Đến khi vụ việc xảy ra, tôi có hỏi phụ trách cơ sở mầm non Nụ Cười Xinh cô Mai Thị Ngọc là ai, sao không nằm trong danh sách nhân sự đề án đề nghị Phòng cấp phép hoạt động? Phụ trách cơ sở này cũng nhận khuyết điểm chưa có văn bản thông báo thay đổi nhân sự lên Phòng, cô Ngọc chỉ là nhân viên vệ sinh theo diện hợp đồng, mới học hết lớp 12, chưa có bằng cấp chuyên môn gì, như vậy là vi phạm quy chế”.

    Qua tìm hiểu, thì việc cấp phép thành lập cũng như cấp phép hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục hiện nay là khá dễ dãi. Các cơ sở chỉ cần đáp ứng được nhu cầu về nhân sự, cơ sở vật chất là UBND có quyết định cho thành lập nhóm trẻ. Chính vì vậy, số cơ sở mầm non tăng lên chóng mặt, khiến cơ quan quản lý gần như thả nổi. Thực trạng là ngay cả lớp học được cho là chất lượng cao, có camera ghi hình để phụ huynh có thể quan sát trực tiếp còn xảy ra những vụ bạo hành nói chi đến các cơ sở không có camera. Hơn nữa, bản thân các phường là cơ quan cho phép thành lập cũng không nắm được trên địa bàn mình có bao nhiêu cơ sở, cũng như nhân sự của từng cơ sở ra sao.

    Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội), cơ quan quản lý cơ sở Nụ Cười Xinh cho biết: “Nhóm trẻ Nụ Cười Xinh hoạt động từ năm 2012. Cơ sở này được thành lập trên quyết định của UBND phường cũng như quyết định cho phép hoạt động của phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm. Từ khi hoạt động đến nay chúng tôi chưa nhận được phản ánh của người dân về cơ sở trên. Đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc đáng tiếc này”.

    Nói về việc cấp phép trường mầm non tư thục, nhóm trẻ ở TP.HCM, chiều 14/10, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Lê Minh Tuấn (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Việc thành lập trường mầm non tư thục, nhóm trẻ tại các quận, huyện TP.HCM đều phải tuân thủ theo quy tắc được đề ra từ cấp trên. Theo đó, mỗi trường mầm non tư thục, nhóm trẻ muốn thành lập thì trước hết  trường phải có đề án cụ thể. Sau khi có đề án trường phải báo cáo lên phòng Giáo dục và Đào tạo tại các  quận huyện. Sau đó, nếu Phòng nhận thấy đề án có khả thi thì mới làm đề xuất trình với UBND quận huyện để xin ý kiến chỉ đạo có được thành lập hay không. Cuối cùng là phải trình hồ sơ lên sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM. Tại địa bàn quận Thủ Đức, tất cả các trường mầm non tư thục được thành lập đều phải có giấy phép thành lập theo quy định”.             

    Thông tư 28/2011/TT- BGDĐT của bộ Giáo dục và Đào tạo (ngày 15/7/2011) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 41/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép thành lập đối với nhà trường, nhà trẻ tư thục; Trưởng phòng giáo dục và đào tạo cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ tư thục; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cho phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục theo đề nghị bằng văn bản của phòng giáo dục và đào tạo.

    Vũ Phương

    Xem thêm video: 

    [mecloud]eAduiXtNgs[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-nhung-vu-bao-mau-hanh-ha-tre-em-den-viec-cap-phep-chay-nha-ra-mat-chuot-a115384.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.