Quý III/2014, Công ty CP Vĩnh Hoàn tiến hành thương vụ 19,6 triệu USD bán công ty thức ăn Vĩnh Hoàn 1 cho đối tác Philippines mang lại lợi nhuận đột biến. 9 tháng đầu năm, công ty đạt lợi nhuận gấp 2 lần kế hoạch năm.
Bà Trương Thị Lệ Khanh - nữ doanh nhân ngành thủy sản hiếm hoi trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, Trương Thị Lệ Khanh đang nắm giữ trong tay 45,5 triệu cổ phiếu VHC (công ty CP Vĩnh Hoàn), tương đương 49,97\% cổ phiếu, bà vừa là Chủ tịch HĐQT đồng thời là Tổng Giám đốc công ty có khối tài sản lên đến hơn 4.000 tỷ đồng.
Sinh ra và lớn lên tại An Giang, sau khi tốt nghiệp cử nhân Kinh tế - Đại học Tài chính kế toán Tp Hồ Chí Minh, bà Khanh vào làm việc ở Sở Tài chính An Giang. Chỉ 3 năm sau, bà được cử làm Phó giám đốc công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Đến năm 1997, sau khi giữ nhiều chức vụ quan trọng tại những đơn vị khác nhau, bà ra riêng thành lập Vĩnh Hoàn.
Khi Vĩnh Hoàn mới lên sàn năm 2007, bà Lệ Khanh nắm giữ 60\% cổ phần của công ty. Lúc này, số vốn của Vĩnh Hoàn đã là 300 tỷ đồng, gấp 1.000 lần so với con số 300 triệu đồng ngày mới thành lập.Sau đó, Vĩnh Hoàn đã phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, tỷ lệ sỡ hữu của bà Lệ Khanh đã giảm xuống còn 49,6\% như hiện tại.
Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh cùng thành viên VHC. |
Mới đây, Công ty CP Vĩnh Hoàn (mã VHC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần đạt 1.693 tỷ đồng, tăng 30\% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế doanh thu 9 tháng đầu năm của VHC đạt 4.305 tỷ đồng, tăng 15\% so với 9 tháng năm 2013.
Riêng doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty tăng gấp 7 lần quý III/2013, ở mức 194,6 tỷ đồng. Khoản tiền này chủ yếu đến từ lợi nhuận bán công ty con là Công ty cổ phần thức ăn thủy sản Vĩnh Hoàn 1 cho Pilmico International của Philippines hoàn tất vào 31/7/2014 với việc hoàn thành bán 70\% cổ phần, 30\% còn lại sẽ được thanh toán trong vòng 5 năm. Giá chuyển nhượng của thương vụ là 414 tỷ đồng (tương đương 19,6 triệu USD).
Chủ tịch HĐQT Trương Thị Lệ Khanh cho biết, việc bán nhà máy chế biến thức ăn nhằm mục đích tập trung vào ngành kinh doanh chính là nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra cộng với tập trung đầu tư cho dự án collagen, một dự án đã được công ty đầu tư 6 năm nay và nhà máy sản xuất sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015.
Sản xuất collagen từ phụ phẩm cá tra được kỳ vọng giúp Vĩnh Hoàn tối ưu hóa giá trị, gia tăng doanh thu và lợi nhuận bởi giá trị xuất khẩu của sản phẩm này cao gấp 8-10 lần so với cá tra.
Bên cạnh việc bán nhà máy thức ăn, ngày 7/8/2014, Tập đoàn Vĩnh Hoàn quyết định chi 360 tỷ đồng mua thêm Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang (VDTG).
Theo nghị quyết ĐHĐCĐ 2014 về tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng để mở rộng năng lực chế biến trong năm 2014, trong tháng 8 (đợt 1), VHC sẽ nhận chuyển nhượng 25,302,396 cp của VDTG, tương ứng 99.06\% vốn với số tiền 356.6 tỷ đồng. Số cổ phần còn lại sẽ được chuyển nhượng trong đợt 2 là 240,000 cp, ứng với 0.94\% vốn với số tiền 3.38 tỷ đồng và sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn tất việc chuyển nhượng đợt 1.
Danh sách công ty con của Vĩnh Hoàn. |
Từ lợi nhuận từ việc mua bán, sáp nhập các công ty con, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VHC quý III/2014 đạt 370 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kì năm ngoái.
Sau khi trừ đi các chi phí và khoản lỗ hơn 5,2 tỷ đồng từ hoạt động khác, lợi nhuận sau thuế VHC đạt 283,7 tỷ đồng, gấp 4 lần lợi nhuận quý III năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận sau thuế của thủy sản Vĩnh Hoàn đạt 400 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm là 5.500 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, VHC đã vượt 99\% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Tổng tài sản tính đến cuối kỳ là 4.034 tỷ đồng, tăng 58\% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 1.215 tỷ đồng, tương đương 30\% tổng tài sản, tăng 10,7\% so với thời điểm đầu năm.
Một điều đáng lưu ý trên bảng cân đối kế toán của Vĩnh Hoàn 9 tháng đầu năm, khoản nợ phải trả của Vĩnh Hoàn tăng đột biến lên 2.271 tỷ đồng, tăng 128\% so với đầu năm nay, chủ yếu là khoản vay ngắn hạn Vietcombank chi nhánh Tp Hồ Chí Minh từ 441 tỷ đồng lên 1.420 tỷ đồng.
Theo đó, cơ cấu tài chính của VHC đã có biến động mạnh. Tỷ số nợ (nợ phải trả/ tổng nguồn vốn) tăng từ 0,39 lên 0,56. Bên cạnh đó, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn giảm xuống còn 1,2, đặc biệt, khả năng thanh toán nhanh giảm xuống chỉ còn 0,68. Các chỉ tiêu này đều đang dưới mức an toàn, các nhà đầu tư và chủ nợ cũng cần xem xét các khoản nợ của Vĩnh Hoàn để xem xét nâng mức tin dụng trong thời gian tới hay không.