(ĐSPL) - Đến bây giờ, trong tâm tưởng, chưa bao giờ ông Chính quên đi khoảng thời gian phát triển “đột ngột” ấy. Từ chàng thanh niên có chiều cao trung bình thành người “khổng lồ” gần 2m, tất cả chỉ diễn ra trong vòng một năm.
Nước mắt chợt lăn trên gò má khi ông nhớ về quá khứ: “Mỗi lần ra đường tôi bị đám trẻ đi theo chế giễu là “quái nhân”, thậm chí cả người lớn lẫn trẻ con còn hùa nhau lấy gậy đuổi đánh, mà nào tôi có dám đánh trả lại, bởi trong vỏ bọc của bề ngoài to lớn hung dữ vẫn là tôi, là chàng thanh niên hiền hậu, nhút nhát như ngày nào....”
Lột xác thành người khổng lồ trong một năm
Theo sự chỉ dẫn của đám trẻ trong làng, chúng tôi tới một căn nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng rộng lớn. Không khó nhận ra một người đàn ông to cao dị thường đang cúi khom người cho đàn gà con mới “mảy ổ” ăn. Đó là ông Nguyễn Văn Chính (SN 1955), trú thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), một dị nhân có chiều cao bất thường gần 2m với bàn tay và bàn chân to gấp 2, gấp 3 lần người bình thường.
Cách đây 10 năm ông Chính bị bệnh thần kinh toạ, làm xương sống bị co rút nên không thể đứng thẳng được. |
Ông Chính ngạc nhiên lắm vì lần đầu tiên được đón tiếp những vị khách lạ tới nhà. Với giọng nói ồm ồm, ông từ tốn rót nước mời khách. Ông nói: “Ngày nhỏ, ba mẹ sinh ra tôi là đứa trẻ lành lặn, phát triển bình thường như bao đứa trẻ đồng trang lứa. Năm 1971, cả nhà liên hoan cho tôi đi bộ đội. Nhưng xét thấy gia đình chỉ có mỗi tôi là con trai nên tôi không phải lên đường nhập ngũ nữa. Đến năm 1972, tôi được đi học cơ điện 3 năm tại Đồng Hới”. Cuộc sống sẽ chẳng có gì phải nói, nếu một năm học cuối cùng ông Chính bị căn bệnh lạ ập tới, khiến cuộc sống của ông bị đảo lộn hoàn toàn.
Nhấp chén trà đắng, ông Chính hồi tưởng về khoảng thời gian bị căn bệnh lạ “hoành hành”: “Năm 1975, khi đó tôi vừa tròn 20 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của một đời người nhưng tôi nhận thấy cơ thể mình có sự phát triển kỳ lạ. Vẫn những bữa cơm chỉ có bo bo, sậu (ngô) nhưng tôi cứ cao lớn vùn vụt, quần áo cũ không thể mặc vừa, tôi không thể tìm những đôi dép ngoài chợ vì chẳng có đôi nào vừa với chân tôi”. Khoảng thời gian ấy, ông Chính lo lắng đến mất ăn, mất ngủ nhưng vẫn không thể kiểm soát được chiều cao và cân nặng của mình. Một năm sau ông cao lên gần 2m, nặng 80kg.
Bà Trần Thị Dung (90 tuổi), mẹ của ông Chính nhớ lại: “Thời kỳ đầu mắc bệnh, thằng Chính dấu không cho gia đình biết. Về thăm nhà, cả nhà tôi đều hoảng hốt khi nhìn thấy nó với vẻ bề ngoài thay đổi hoàn toàn. Tôi bàn chuyện với ông nhà đưa nó đi khám, đến tất cả các bệnh viện họ đều trả lời thằng Chính bị thừa hooc - mon tăng trưởng. Biết con buồn chán, là đấng sinh thành nhưng vợ chồng tui cũng không thể làm chi được”.
Ông Chính tốt nghiệp trường cơ điện, tới gõ cửa tất cả các cơ quan nhưng đều nhận được cái lắc đầu từ chối bởi vẻ bề ngoài cao lớn, dị thường. “Ấn tượng để lại sâu đậm nhất trong lòng tôi là lần xin việc vào trường Hai giỏi. Ban đầu, thông qua người quen giới thiệu, họ đã nhận tôi vào làm việc. Vào đến nơi, nhìn thấy người tôi cao to bất thường, họ vội lắc đầu từ chối”.
“Sau khi tới xin làm việc nhiều nơi không được, tôi chấp nhận về nhà làm nông kiếm sống. Gần nhà tôi ngày ấy có một cái lò gạch, tôi liền xin một chân vào gánh gạch. Được một thời gian thì lò gạch ấy giải thể, tôi về nhà làm ruộng cùng ba mẹ. Về nhà, những mong có được cuộc sống bình yên hơn nhưng không được. Mỗi lần ra đường, tôi bị cả người lớn lẫn trẻ con đi theo trêu trọc, thậm chí có người còn mang gậy theo đuổi đánh”. Trong ký ức của mình, ông Chính vẫn nhớ như in cái lần ông có việc phải ra ngoài vào ban đêm làm mọi người nhầm tưởng ông là con vật gì to lớn: “ Một lần tôi có việc cần ra khỏi nhà vào ban đêm, trong bóng tối, đám thanh niên tưởng tôi là con vật gì to lớn nên đứng trong bụi cây ném đá tới tấp vào người tôi rồi bỏ chạy, dù tôi không đuổi đánh hay doạ nạt họ…”
Gian nan hành trình đi tìm tình yêu
Đến tuổi lập gia đình, bố mẹ ông Chính sốt ruột, lo lắng làm sao để con trai có được người vợ đầu gối tay ấp. Bản thân ông Chính cũng mong có một người vợ lắm nhưng ông lại mặc cảm, tự ti với ngoại hình của mình nên chẳng dám đi đâu. Thương con trai, bố mẹ ông đã đi hỏi giúp hàng chục cô gái trong làng nhưng đều bị gia đình hoặc chính các cô gái từ chối bởi ngoại hình khác thường.
Ông Chính tâm sự: “Tôi tưởng cuộc sống của mình về sau sẽ sống cô độc một mình. Nhưng qua người thân giới thiệu, tôi gặp bà Hạnh, người con gái đã 25 tuổi sống ở làng bên. Không giống những người phụ nữ khác, lần đầu gặp tôi, bà Hạnh không tỏ vẽ sợ hãi mà rất gần gũi, chia sẻ với hoàn cảnh của tôi”.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1955, vợ ông Chính) cho biết: “Ngày ấy biết tôi yêu anh Chính, cả gia đình tôi phản đối. Tôi thương anh Chính thật lòng, cảm thấy nơi anh có sự chân chất, mộc mạc và hiền lành khác hẳn vẻ bề ngoài to cao, hung dữ. Một phần thấy con gái quyết tâm, phần khác thấy anh Chính cũng hiền lành nên gia đình tôi đã chấp nhận”. Tình yêu của người đàn ông có ngoại hình “dị biệt” và một cô gái nhỏ thó đã trở thành tâm điểm xôn xao trong dư luận của một vùng quê. Nhưng dần dần, họ thấy tình yêu của đôi trai gái kia cũng bình thường, bền chặt như bao cặp đôi khác nên chẳng ai nói gì.
Ông Chính “khổng lồ” đứng bên cạnh người vợ nhỏ thó. |
Năm 1980, ông Chính cùng bà Hạnh kết hôn trong niềm vui khôn xiết của hai bên họ hàng. Giữa một đám người đông đi theo rước dâu, người ta thấy một cô gái nhỏ nhắn đi bên cạnh người đàn ông “khổng lồ” tựa như người cha cao lớn đang dẫn cô con gái 6 tuổi đi chơi vậy. Nhưng chẳng ai quan tâm đến điều đó, mà họ chỉ nghĩ, vậy là từ nay anh Chính đã tìm được người con gái hiền hậu, nết na sánh bước trên cuộc đời đầy rẫy những gian truân.
Cưới nhau được vài năm nhưng hai vợ chồng ông Chính không thể có con. Năm 1987, vợ chồng ông nhận một đứa con gái về nuôi. Mặc dù khó khăn nhưng trong nhà luôn có tiếng bi bô của đứa trẻ khiến ông Chính vui hơn rất nhiều. Bà Hạnh bùi ngùi khi nói về đứa con gái: “Khi trước con gái tui học giỏi lắm. Năm học hết lớp 9, thi vào cấp 3 trường công lập còn thừa điểm. Nhưng vì cuộc sống khó khăn quá nên vợ chồng tui nói với con nghỉ học, ở nhà làm ruộng phụ giúp ba mẹ. Nói với con như vậy nhưng vợ chồng tui như xát muối vào lòng. Biết hoàn cảnh ba mẹ như vậy nên con bé đồng ý nhưng tui biết trong lòng nó buồn lắm”. Nghỉ học được một thời gian, cô con gái nuôi đã lập gia đình gần nhà và hiện đã sinh được 2 đứa con, hàng ngày vẫn tới lui thăm nom cha mẹ.
Cách đây 10 năm, vợ chồng ông Chính vẫn làm được 4 sào ruộng. Là người trụ cột trong gia đình, ông giúp vợ con cày bừa, làm những việc nặng nhọc. Nhưng gần đây ông bị bệnh thần kinh toạ, khiến xương sống bị cong, bao nhiêu sức lực cũng mất hết. Vì vậy, ông bà không làm ruộng nữa mà chỉ trồng rau màu trong vườn đem ra chợ bán. Bây giờ, cuộc sống của ông bà chỉ trông chờ vào 180.000 đồng tiền trợ cấp tàn tật của nhà nước và tiền bán rau trong vườn, tổng thu nhập chỉ khoảng 300.000 đồng.
Dù cuộc sống của ông bà đầy rẫy những khó khăn nhưng chẳng khi nào lời qua tiếng lại với nhau, luôn thương yêu nhau hết mực. Anh Phan Văn Hà, hàng xóm của gia đình ông Chính cho biết: “Mặc dù ông Chính có vẻ bề ngoài “khổng lồ”, cuộc sống khó khăn nhưng vợ chồng ông Chính sống với nhau rất tình cảm, chẳng bao giờ thấy lời qua tiếng lại. Mấy năm gần đây, ông Chính bị bệnh tật nên không thể làm việc nặng được. Hiện, gia đình rất khó khăn, liên tục là hộ nghèo trong thôn”.
Kết thúc cuộc trò chuyện với PV, ông Chính chia sẻ: “Với những người tàn tật, dị thường như tui, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Mất đi nhiều cơ hội trong công việc nhưng trên hết hãy yêu thương bản thân mình, luôn cố gắng nổ lực trong cuộc sống. Bản thân tui đã bao lần chán nản trước số phận nghiệt ngã của cuộc đời nhưng tôi vẫn đủ nghị lực để tiếp tục sống, là người có ích cho gia đình. Với tôi như vậy là tốt lắm rồi”.