Theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008, đường cao tốc được quy định như sau:
- Là đường dành cho xe cơ giới;
- Có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt;
- Không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác;
- Được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
Theo Bộ Công an, hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và được áp dụng theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
Cụ thể, hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc sẽ bị phạt cụ thể: Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (tại điểm a khoản 8 Điều 5), tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng (điểm đ khoản 11 Điều 5).
XEM THÊM: Từ tháng 8/2023, thủ tục "sang tên, đổi chủ", đăng ký biển số mới nhất như thế nào?
Hành vi đi ngược chiều trên cao tốc, gây nên hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự.
Theo đó, tại Điều 260, Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác về sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên bị cơ quan chức năng truy tố theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.
Hoàng Yên