(ĐSPL) - Sau cú va chạm, tài xế xe cứu hộ liền cự cãi với 2 anh em Bảo và Nguyên và đòi giữ xe của các đối tượng. Bực tức, Nguyên dùng mảnh kính đâm vào ngực tài xế khiến nạn nhân gục tại chỗ.
Theo thông tin trên báo Công an TP HCM, ngày 10/1, TAND TP HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Huỳnh Thái Nguyên (22 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) mức án tử hình về tội “Giết người”.
Liên quan đến vụ án, Huỳnh Thái Bảo (24 tuổi, anh ruột Nguyên) lãnh 24 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Báo An ninh thủ đô trích dẫn cáo trạng thể hiện, khuya 4/2/2016, Nguyên và Bảo đi xe máy trên đường Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM thì bất ngờ tông vào xe cứu hộ đang đậu bên đường.
Hai bị cáo Nguyên (áo xanh) và Bảo tại tòa - Ảnh: Công Thư/ NĐT |
Nguyên dùng nón bảo hiểm đập vào xe. Thấy vậy, tài xế chiếc xe là ông Trần Khắc Công liền cự cãi với anh em Bảo và Nguyên. Ông Công đòi giữ xe của các đối tượng.
Lúc này, Nguyên chạy đến một xe hàng rong gần đó đập vỡ tủ kính, lấy mảnh kính nhọn đâm vào ngực ông Công khiến ông gục tại chỗ. Bảo cũng xông vào định đánh ông Công nhưng được người dân can ngăn.
Ông Công được người dân đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trước khi nhập viện.
Nguyên và Bảo sau đó bị cơ quan công an bắt giữ.
[poll3]676[/poll3]
Điều 93. Tội giết người (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009) 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng 1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; b) Có tổ chức; c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp