Cậu bé Dương Văn Minh đã lớn lên trên “cánh đồng vàng” Mỹ Phú. Dù gia đình khá giả, nhưng cậu bé Minh cũng “lặn ngụp” trên đồng ruộng, nhất là vào mùa nước nổi, câu cá, bắt ốc…, như bao đứa trẻ khác. Thời cuộc đã đưa Dương Văn Minh vào quân đội Pháp, rồi trở thành “người hùng” trong biến cố tháng 11/1963 ở Sài Gòn. Sau đó, ông may mắn thoát chết tại một trận phục kích của Quân Giải phóng ngay gần nhà.
Tướng Dương Văn Minh. |
Đi học trường “Xách Lu”
Trải qua hàng trăm năm khai khẩn, thuần hóa ruộng đất ở Đồng Tháp Mười, gia tộc họ Dương ở làng Mỹ Phú đã trở nên khá giả nhờ đất đai các thế hệ trước để lại giờ trở nên màu mỡ, trồng lúa đạt năng suất cao. Nhờ đó mà ông Dương Văn Huề được học hành đàng hoàng, rồi ra làm quan dưới thời Pháp thuộc. Theo chân người cha, các con trai của ông Huề là Dương Văn Minh, Dương Văn Nhựt, Dương Văn Sơn cũng lần lượt rời vùng quê Mỹ Phú đi học “trường Tây” và đều thành đạt trong cuộc đời theo những hướng khác nhau (Dương Văn Nhựt là cán bộ cách mạng cao cấp, Dương Văn Sơn là sĩ quan cao cấp dưới thời Việt Nam Cộng hòa).
Dương Văn Minh là anh cả trong gia đình, sinh ngày 19/2/1916. Có nguồn sử liệu cho rằng cậu bé Dương Văn Minh chào đời ở Mỹ Tho hoặc Vĩnh Long, nơi ông Dương Văn Huề đang làm quan. Cũng có tài liệu cho rằng, nơi sinh của ông Minh là Long An, cụ thể là ở làng Mỹ Phú, trên chính mảnh đất tổ tiên ông đã dày công khai phá. Thực tế thì ông lọt lòng mẹ ở Phú Lâm (quận Bình Tân, TPHCM ngày nay), nơi cha ông đang làm quan trong dinh phó soái Nam Kỳ, sau này gọi là dinh Gia Long, lúc mẹ ông từ Mỹ Phú lên đây thăm chồng. Ngay từ nhỏ, ông Minh đã là cậu bé có hình vóc to lớn hơn người, mới 10 tuổi đã cao lớn như một thanh niên trưởng thành. Ông rất yêu thích đồng ruộng, thích lội ruộng bắt ốc, bắt cá, làm lúa với người thân. Mỗi năm vào mùa nước lũ (tháng 8 đến tháng 12), cậu bé Minh suốt ngày bơi xuồng đi giăng lưới bắt cá, bắt chuột, hái bông điên điển, những sản vật phong phú thiên nhiên ban tặng vùng Đồng Tháp Mười.
Năm mười tuổi, cậu bé Minh rời khỏi vùng quê Mỹ Phú về học ở Trường Collège Chasseloup -Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM). Lúc ấy, người Việt thường gọi tắt trường này là “Xách Lu”. Dưới thời Pháp thuộc, ở Sài Gòn có 2 trường công lập nổi tiếng là Chasseloup Laubat và Pétrus Ký. Trường “Xách Lu” dành riêng cho con của các viên chức người Pháp hoặc người Việt Nam có quốc tịch Pháp. Còn con em người Việt học giỏi chỉ được thi vào Lycée Pétrus Ký. Không biết bằng cách nào mà cậu học trò Dương Văn Minh là người Việt Nam mà vẫn được thi và đậu vào trường “Xách Lu”.
Cậu học trò Dương Văn Minh đi học xa nhà, cách nhà hơn 60 cây số. Mỗi năm, cậu chỉ về thăm quê đôi ba lần vào dịp nghỉ hè và ngày giỗ, tết, bằng tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho. Ở trường, cậu vừa học giỏi, vừa năng luyện tập thể dục thể thao, nổi tiếng về chạy bộ và đá banh. Trong đội banh của nhà trường, Dương Văn Minh luôn giữ vai trò thủ môn, ông bắt bóng rất giỏi, không ai có thể thay thế. Đến tuổi trưởng thành, ông Minh trở thành người đàn ông cao lớn, vạm vỡ, với chiều cao 1,83m, nước da sạm đen như nông dân lực điền. Vì vậy, ông còn được đặt nhiều biệt danh như Minh Cồ, Minh Bự, "Big Minh". Ông Minh thi đỗ Tú tài II chương trình Pháp, ban toán, vào năm 1938, rồi đỗ bằng Tú tài phần nhất, Bacc. 1 ère partie, nhưng không tiếp tục học, mà đi làm và lập gia đình. Ông vào đời với nghề thư ký công nhật chuyên lo công văn đi và đến ở một cơ quan trong bộ máy cai trị của Pháp ở Sài Gòn.
Ân oán với Ngô Đình Diệm
Đi làm thư ký chỉ vài năm, được một người bạn rủ rê, Dương Văn Minh chuyển sang con đường quân ngũ. Sau khóa đào tạo ngắn hạn ở Trường Hạ sĩ quan Thủ Dầu Một (Bình Dương), năm 1940, Dương Văn Minh gia nhập quân đội Pháp với cấp bậc chuẩn úy. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Dương Văn Minh phục vụ trong quân đội Pháp nên bị quân Nhật bắt cầm tù. Khi quân Pháp trở lại, ông tiếp tục được quân đội Pháp tin dùng và thăng cấp thiếu úy, hai năm sau lên trung úy. Năm 1952, ông được thăng hàm đại úy, làm tùy viên tại Phủ Thủ hiến Nam phần. Năm 1953, ông được thăng thiếu tá, năm 1954 là trung tá Tham mưu trưởng Quân khu 1.
Khi Quân lực Việt Nam Cộng hòa được thành lập vào năm 1955, Dương Văn Minh giữ chức Chỉ huy trưởng Phân khu Sài Gòn, sau được thăng đại tá và giữ chức Tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Cuối năm ấy, ông được Ngô Đình Diệm giao làm Tư lệnh Chiến dịch Hoàng Diệu với nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng quân đội ly khai Bình Xuyên đóng ở rừng Sác. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Ngô Đình Diệm thăng quân hàm Thiếu tướng. Tiếp theo, Ngô Đình Diệm giao ông làm Tư lệnh Chiến dịch Nguyễn Huệ, rồi Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu đánh quân Hòa Hảo của Tướng Ba Cụt ở miền Tây Nam bộ.
Dù thuộc hàng “khai quốc công thần” của chế độ, nhưng sau đó, Dương Văn Minh lại bị anh em Diệm - Nhu nghi kỵ. Nguyên do, trong nội bộ chính quyền Diệm có sự phân hóa, nghi kỵ lẫn nhau giữa 2 phe thân Pháp (trong đó có Dương Văn Minh) và thân Mỹ (đứng đầu là anh em Diệm – Nhu). Sự kiện Hà Minh Trí ám sát Ngô Đình Diệm tại Hội chợ Kinh tế Cao Nguyên ở Buôn Mê Thuột vào tháng 2/1957 càng khoét sâu mâu thuẫn này. Người chiến sĩ cách mạng cảm tử Hà Minh Trí đã dùng kế ly gián đối phương bằng cách khai mình là lính giáo phái Cao Đài, ám sát Ngô Đình Diệm theo chỉ đạo của Mai Hữu Xuân và Dương Văn Minh, và đã lừa được anh em Diệm – Nhu.
Từ vị trí là Trung tướng Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, ông Minh bị điều về “ngồi chơi xơi nước” ở Phủ Tổng thống. Thế nhưng, một người với nhiều nội lực và từng trải như Tướng Minh không dễ đầu hàng số phận, ông đã âm thầm chuẩn bị cho một trận bão lớn - lật đổ chế độ độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm.
Con đường đến dinh Độc Lập
Dương Văn Minh đóng vai trò chính trong cuộc đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963 với cương vị Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng, cùng các tướng Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Đỗ Mậu... Nhưng chỉ 2 tháng sau, tướng Nguyễn Khánh lật đổ chính quyền quân sự này và giành quyền làm chủ dinh Độc Lập. Chính trường Sài Gòn liên tục biến động, liên tục xảy ra thay ngôi đổi chủ. Năm 1964, Dương Văn Minh được “Quốc trưởng” Phan Khắc Sửu vừa nắm quyền kiểm soát chế độ Sài Gòn thăng hàm Đại tướng, nhưng ông không nhận, vì nhận định tình hình hình còn diễn biến phức tạp. Tháng 12 năm đó, ông bị ép đi làm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Thái Lan cho đến năm 1968 mới được hồi hương.
Dương Văn Minh trở lại chính trường năm 1971 và đối đầu với đương kim Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu - người được Mỹ ủng hộ. Ông Minh trở lại chính trường với vai trò là người thích hợp nhất để lãnh đạo "lực lượng thứ ba" chống lại chiến tranh, tìm đường vãn hồi hòa bình. Thế nhưng, nhưng nỗ lực của ông bị Nguyễn Văn Thiệu cản trở. Ông rút ra khỏi cuộc tranh cử Tổng thống năm 1971 sau khi tuyên bố rằng cuộc bầu cử chỉ là trò múa rối. Trước sự sụp đổ nhanh chóng của Việt Nam Cộng hòa sau khi Mỹ rút quân, vai trò của ông lại nổi lên trong chính trường Sài Gòn.
Sau khi Nguyễn Văn Thiệu, rồi Trần Văn Hương từ chức chỉ trong vòng một tuần lễ, ngày 28/4/1975, Dương Văn Minh chính thức nhậm chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Chưa tới 40 tiếng đồng hồ sau, vào trưa 30/4/1975, trên cương vị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, ông đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng miền Nam trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa chính thức tan rã, Quân Giải phóng làm chủ hoàn toàn miền Nam, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm đã kết thúc thắng lợi, đất nước hết chia cắt.
Sau đó, Dương Văn Minh đã có những năm sống ý nghĩa với tư cách công dân một nước Việt Nam độc lập. Năm 1983, ông sang Pháp định cư với vợ chồng người con gái. Sau, ông chuyển qua sống ở California (Mỹ), tại đó ông qua đời vào ngày 6/8/2001, thọ 86 tuổi, khi chưa kịp thực hiện ý nguyện cuối đời là trở về sống trên quê hương.
Sau này Dương Văn Minh đã nhiều lần giải thích về “quyết định lịch sử” đầu hàng Quân giải phóng trưa ngày 30/4/1975, đại ý: Bớt đổ xương máu chừng nào tốt chừng nấy; nếu ông không đứng ra nhận vai trò tổng thống từ Trần Văn Hương, có thể đã có một cuộc đảo chính ở Sài Gòn, phe hiếu chiến lên cầm quyền, khi ấy chiến tranh sẽ thêm thảm khốc, dân chúng và binh lính hai bên sẽ chết nhiều thêm nữa trước khi Sài Gòn và miền Nam thuộc quyền kiểm soát của Quân Giải phóng. Có một sự kiện liên quan tới Dương Văn Minh mà tất cả các nguồn sử liệu về ông đều chưa đề cập tới. Đó là, khi ông đang là “Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng” sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm tháng 11/1963, trong một lần về thăm nhà ở xã Mỹ Phú, ông đã rơi vào trận địa phục kích của Quân Giải phóng giăng sẵn ở gần nhà. Chỉ có sự tình cờ và may mắn mới giúp ông thoát chết. Nếu trận phục kích ấy thành không, có thể công cuộc giải phóng miền Nam đã kết thúc với cách khác đi ít nhiều, khi mà vào ngày 30/4/1975 lịch sử, Tướng Dương Văn Minh không có mặt trong dinh Độc Lập. |