Theo Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/9, cảnh sát giao thông (CSGT) được bố trí một tổ cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với lực lượng công khai để tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, gồm: Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh trật tự (ANTT) hoặc trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ phức tạp.
CSGT hóa trang phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được cấp có thẩm quyền ban hành. Nội dung kế hoạch cần nêu rõ phương pháp thực hiện; lực lượng; trang phục; phương thức liên lạc, thời gian, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác được sử dụng.
Ngoài ra, bộ phận cán bộ hoá trang và bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai trong tổ CSGT phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.
Bộ phận cán bộ hóa trang có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện các hành vi vi phạm; thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng mà nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, tổ chức, cá nhân, bộ phận hóa trang được sử dụng giấy chứng minh công an nhân dân để thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm…
Về thẩm quyền, Cục trưởng Cục CSGT, giám đốc công an cấp tỉnh; trưởng phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; trưởng phòng CSGT, trưởng công an cấp huyện quyết định việc mặc cảnh phục, mặc thường phục khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.
3 hình thức tuần tra, kiểm soát
Thông tư 32/2023 quy định 3 hình thức tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT. Các hình thức này sẽ được thực hiện tùy vào tình hình thực tế.
Thứ nhất là kiểm soát thông qua hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (hay còn gọi là phạt nguội - PV).
XEM THÊM: Từ 15/9, CSGT được dừng xe trong những trường hợp nào?
Đơn vị CSGT được giao quản lý hệ thống giám sát phải bố trí cán bộ trực tại trung tâm điều hành 24/24 giờ để vận hành hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên tuyến, phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thứ hai là tuần tra, kiểm soát công khai. Cán bộ CSGT di chuyển trên tuyến, địa bàn được phân công bằng phương tiện giao thông hoặc đi bộ để thực hiện tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
CSGT cũng có thể tổ chức lực lượng tại một điểm trên đường giao thông, tại trạm CSGT theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, lực lượng CSGT cũng được quyền tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại trạm CSGT. Việc này phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Thứ ba là tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang. Tổ CSGT được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.
Hoàng Yên